Theo ông Peskov, đề xuất an ninh có tên Hiệp ước An ninh Kiev cho thấy mối đe dọa mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gây ra với Nga. Điện Kremlin coi hiệp ước này là một giải pháp thay thế trước khi Ukraine chính thức gia nhập NATO. Trước đó, Nga từng nhiều lần tuyên bố việc Ukraine gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu là “không thể chấp nhận được”.
“Một trong những mối đe dọa chính đối với quốc gia của chúng tôi vẫn còn, nghĩa là một trong những lý do chính của chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn còn, hoặc thậm chí trở nên cấp bách hơn”, ông Peskov nói với các nhà báo. Cách thiết thực nhất mà Ukraine có thể làm để đảm bảo an ninh quốc gia của mình trong tình huống này là giải quyết mối quan ngại của Nga về sự hợp tác giữa Kiev với NATO. “Lãnh đạo Ukraine phải thực hiện các bước loại bỏ mối đe dọa nhằm vào Nga. Họ biết rõ những bước đó là gì”, ông Peskov nói.
Khói lửa giao tranh ở Kharkov, UkraineẢnh: AP |
Hiệp ước An ninh Kiev được Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất hôm 13/9. Dự thảo hiệp ước được xây dựng bởi nhóm cố vấn do Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andrey Yermak và cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen dẫn đầu. Theo đó, Ukraine muốn Mỹ và các thành viên khác của NATO đưa ra những đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý đối với an ninh của nước này và cam kết hỗ trợ kinh tế lâu dài. Dự thảo hiệp ước bác bỏ yêu cầu của Nga về một quy chế trung lập đối với Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, đề xuất an ninh được Ukraine đưa ra nhằm che mắt các quốc gia châu Âu về sự tài trợ tốn kém cho Kiev. Phương Tây khi ấy sẽ hành động bất chấp khả năng kinh tế, từ đó làm suy yếu quyền lực chính trị. Theo bà Zakharova, đây là mục tiêu của những người đang điều khiển Kiev từ Washington.
Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, tuyên bố Kiev sẽ không nhận được bất kỳ “đảm bảo an ninh” nào, vì dự thảo của họ về cơ bản là “mở đầu” cho Thế chiến III. Ông Medvedev cho rằng thỏa thuận do Kiev đề xuất tương đương với việc “áp dụng Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đối với Ukraine”.
Điều khoản này đề cập đến phòng thủ tập thể như một nguyên tắc trọng tâm của hiệp ước thành lập NATO. “Các lãnh đạo phương Tây nên hiểu một điều, nó liên quan trực tiếp đến xung đột giữa NATO với Nga. Nếu tiếp tục viện trợ tràn lan các loại vũ khí nguy hiểm nhất cho chế độ Kiev, thì sớm muộn chiến dịch quân sự sẽ lên đến một cấp độ khác”, ông nói.
Đại sứ Nga cáo buộc Mỹ dấn sâu xung đột
Đại sứ Nga tại Mỹ - ông Anatoly Antonov bày tỏ quan ngại về việc Washington đang “công khai khoe khoang” rằng những thành công trên chiến trường của Ukraine có một phần công sức của Lầu Năm Góc. “Trong bối cảnh này, tuyên bố của Washington rằng Mỹ không phải là một bên trong cuộc xung đột nghe có vẻ hoàn toàn vô lý và vô căn cứ”, ông Antonov nói với hãng tin RIA Novosti.
“Thực tế và các phát ngôn của chính trị gia Mỹ đã cho thấy điều ngược lại. Video được phát trên các kênh phương Tây cho thấy những binh sĩ và sĩ quan nói tiếng Anh trôi chảy - nhiều người phát âm chuẩn giọng Anh và Mỹ - đang chiến đấu chống lại chúng tôi”, Đại sứ Nga nói.
Ông Antonov cáo buộc Mỹ đang làm mọi cách để biến Ukraine thành bãi chứa vũ khí lỗi thời, đồng thời là bãi thử các thiết bị mới của NATO. Lầu Năm Góc cũng xác nhận đã gửi cho Ukraine hơn 17,2 tỷ USD hỗ trợ an ninh kể từ năm 2014, và thêm 14,5 tỷ USD từ tháng 2/2022.
Phòng thủ tập thể có nghĩa là một cuộc tấn công vào một trong các thành viên của liên minh sẽ được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên và kích hoạt phản ứng tập thể.