Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt khiến 10 quốc gia EU bị ảnh hưởng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Frans Timmermans - quan chức phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/6 cho biết khoảng 10 quốc gia EU đã bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga.

Theo ông Timmermans, 10 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã đưa ra "cảnh báo sớm" về nguồn cung khí đốt - mức độ đầu tiên và ít nghiêm trọng nhất trong 3 cấp độ khủng hoảng được xác định trong các quy định về an ninh cung cấp năng lượng của EU.

Ở mỗi cấp độ, các nước EU đều sẽ phải có kế hoạch về cách ứng phó với gián đoạn nguồn cung.

Cùng ngày, chính phủ Đức cho biết nước này đã kích hoạt "giai đoạn báo động" - cấp độ 2 trong thang 3 cấp độ khẩn cấp.

Theo Reuters, quyết định này được đưa ra khi Berlin nhận thấy nguy cơ cao về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dài hạn. Tuy nhiên, quyết định phần lớn mang tính biểu tượng như một cách báo hiệu cho các công ty và hộ gia đình rằng những đợt cắt giảm nghiêm trọng sắp diễn ra.

"Chúng ta không được nhầm lẫn: Việc cắt giảm nguồn cung khí đốt là một đòn tấn công kinh tế của Nga", Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cáo buộc, và nói thêm rằng người Đức sẽ phải giảm tiêu thụ năng lượng.

"Kể từ bây giờ, khí đốt là một mặt hàng khan hiếm ở Đức. Do đó chúng ta có nghĩa vụ phải giảm tiêu thụ khí đốt", ông Habeck nói. “Chúng ta sẽ tự bảo vệ mình trước điều này. Nhưng đất nước của chúng ta bây giờ sẽ phải đi trên một con đường đầy chông gai."

Theo kế hoạch đối phó giai đoạn 2, Berlin sẽ cung cấp 15 tỷ euro để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, và triển khai mô hình đấu giá khí đốt vào mùa hè này để khuyến khích ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng.

Trước đó, Đức đã ra báo động ở cấp 1 kể từ cuối tháng 3, đẩy mạnh việc giám sát chặt chẽ các dòng chảy khí đốt và tập trung lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt.

Việc chuyển sang giai đoạn 2 đã được nhiều người đồn đoán kể từ khi tập đoàn Gazprom (Nga) cắt giảm công suất nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 xuống còn 40% vào tuần trước.

Berlin cáo buộc công ty Nga cắt giảm nguồn cung vì lý do chính trị, nhưng Mátxcơva giải thích rằng "đơn giản là không có thiết bị để bơm". Gazprom không thể duy trì dòng khí một cách an toàn nếu không có tuabin mà Siemens Energy gửi đến Canada để bảo trì trước đó nhưng chưa được trả lại. Các thiết bị kẹt ở Canada do các lệnh trừng phạt kinh tế mà Ottawa áp đặt đối với Nga.

Chính phủ Canada cho biết họ đang tìm cách khắc phục sự cố. “Mục đích của các lệnh trừng phạt không phải là gây ra ảnh hưởng cho Đức, một trong những người bạn và đồng minh thân thiết nhất của chúng tôi”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Canada Jonathan Wilkinson nói với Bloomberg.

Hiện tại, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đã lấp đầy 58%. Berlin muốn tăng con số này lên 90% vào tháng 12. Nếu cấp độ 3 - cấp độ cao nhất của kế hoạch khẩn cấp được kích hoạt, Đức sẽ phải áp dụng chế độ phân bổ khí đốt.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 22/6 cảnh báo Nga có thể cắt hoàn toàn khí đốt đến châu Âu để tăng cường đòn bẩy chính trị. Quan chức này cho biết châu Âu cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Cùng ngày, Liên minh châu Âu ra tín hiệu rằng họ sẽ tạm thời chuyển sang sử dụng than đá để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Theo RT, Reuters
MỚI - NÓNG
Rau củ, quả sẽ liên tục ra Bắc
Rau củ, quả sẽ liên tục ra Bắc
TP - Hàng trăm tấn hàng hóa gồm rau xanh, lương thực thực phẩm, đồ dùng thiết yếu… đã được các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp ở TPHCM và các tỉnh phía Nam đưa ra Bắc để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3.