Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Reuters |
"Về vấn đề hệ thống phòng không Patriot của Nhật Bản được chuyển sang Mỹ, rất có thể, Ukraine sẽ là điểm đến cuối cùng. Chúng tôi muốn cảnh báo, nếu tên lửa của Nhật Bản rơi vào tay lực lượng vũ trang Ukraine, những hành động như vậy sẽ được coi là thù địch đối với nước Nga và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất cho Nhật Bản trong quan hệ song phương", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trong cuộc họp báo khi bình luận về việc Nhật Bản cho phép xuất khẩu Patriot tới Mỹ.
Bà Zakharova cũng cảnh báo việc Nhật Bản xuất khẩu vũ khí sát thương sang Mỹ sẽ “gây ra những hậu quả tiêu cực đối với an ninh khu vực và toàn cầu”.
"Quyết định được Nhật Bản đưa ra chủ yếu phục vụ lợi ích của Mỹ. Trong trường hợp này, Tokyo không chỉ vi phạm các nguyên tắc của chính mình mà còn mất phần lớn quyền kiểm soát đối với các vũ khí mà Washington có thể sử dụng theo ý mình.”
"Việc cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, cả trực tiếp và gián tiếp, chỉ kéo dài nỗi đau đớn và làm tăng thêm số lượng nạn nhân vô tội. Trách nhiệm trong việc này một phần thuộc về Chính phủ Nhật Bản”, bà Zakharova nói.
Ngày 22/12, Nhật Bản nới lỏng quy định xuất khẩu thiết bị quốc phòng, cho phép xuất khẩu hệ thống tên lửa Patriot sang Mỹ và đạn pháo 155 mm sang Anh, thay vì chỉ xuất khẩu từng bộ phận như trước đây.
Quy định này không cho phép tái xuất khẩu trực tiếp thiết bị quân sự sang các nước thứ ba có liên quan đến xung đột vũ trang, nhưng sẽ giúp Mỹ bổ sung kho vũ khí vốn đã bị suy giảm sau nhiều đợt viện trợ cho Kiev. Ngoài ra, các quy định được nới lỏng sẽ tạo cơ hội để Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa Patriot của mình cho Ukraine và các đối tác ở châu Âu. Điều này có nghĩa Ukraine sẽ được hưởng lợi gián tiếp.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Mỹ sẽ phải được sự đồng ý của Tokyo trước khi chuyển bất kỳ hệ thống Patriot nào do Nhật Bản sản xuất sang nước thứ ba.