Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong một tuyên bố hôm 13/12, cho biết: "Khả năng tự vệ của Ukraine trước máy bay không người lái và tên lửa Nga đã được cải thiện. Hệ thống phòng không Patriot thứ hai do Đức cung cấp sẽ được triển khai tại Ukraine trong năm nay".
Theo tuyên bố của Thủ ướng Đức, đồng nghĩa với việc Patriot sẽ bắt đầu được triển khai tại Ukraine trong vài ngày tới.
Thủ tướng Olaf Scholz cũng lưu ý rằng, xe bọc thép, đạn dược và quần áo bảo hộ mùa đông cũng như máy phát điện sẽ được cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Vào tháng 10 năm nay, Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố sẽ gửi thêm hệ thống Patriot và IRIS-T tới Ukraine, nhưng không nêu rõ khung thời gian chuyển giao. Đến cuối tháng 11, Đại sứ Đức tại Ukraine Martin Jaeger cho biết một hệ thống phòng không Patriot khác của Đức sẽ được triển khai ở Ukraine vào mùa đông.
Patriot là một trong những hệ thống phòng không tinh vi nhất của quân đội Mỹ. Trong đó, Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) là hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai như một phần trong chiến lược phòng thủ.
Hệ thống Patriot bao gồm bệ phóng, trạm điều khiển và mang theo tối đa 16 tên lửa. Bệ phóng có thể được vận chuyển bằng xe tải, xe kéo và có thể được vận hành bởi một kíp gồm ba người.
Ở thời điểm hiện tại, tên lửa PAC-3 MSE được đánh giá là phiên bản mạnh nhất của hệ thống đánh chặn Patriot. Tên lửa này có tốc độ cao, sử dụng công nghệ tìm-diệt mục tiêu chính xác cho phép đánh chặn nhiều mục tiêu trên không như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.
Tên lửa PAC-3 MSE có chiều dài 5,21 m, trọng lượng 312 kg, được trang bị một động cơ kép xung lực, có thể tiêu diệt tên lửa đang bay tới ở độ cao 40 km với tốc độ bay đạt Mach 5.