Nga bác thông tin ba nhà khoa học tên lửa bị bắt vì lộ bí mật cho Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Điện Kremlin không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ba nhà khoa học bị bắt gần đây với cáo buộc phản quốc đã làm việc cho Trung Quốc, người phát ngôn Dmitry Peskov nói với báo chí ngày 24/5.
Nga bác thông tin ba nhà khoa học tên lửa bị bắt vì lộ bí mật cho Trung Quốc ảnh 1

Đầu đạn tên lửa siêu thanh Kh-47 Kinzhal của Nga. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, Reuters dẫn hai nguồn tin nói rằng giám đốc viện khoa học hàng đầu của Nga bị bắt gần đây cùng hai nhà khoa học tên lửa khác bị cho là đã cung cấp bí mật cho Trung Quốc.

“Không, tôi sẽ không rút ra kết luận về bất kỳ xu hướng nào trong trường hợp này”, ông Peskov nói khi được hỏi về việc các nhà khoa học này bị cáo buộc có quan hệ với Trung Quốc.

Ông Peskov nhấn mạnh rằng các cơ quan an ninh của Nga đang làm công việc của họ.

“Họ bảo vệ các bí mật nhà nước và theo dõi các trường hợp nghi ngờ phản quốc”, ông Peskov nói.

Theo các nguồn tin của Reuters, ông Alexander Shiplyuk - Giám đốc Viện Cơ học lý thuyết và ứng dụng (ITAM), bị nghi ngờ giao các tài liệu bí mật cho Bắc Kinh tại một hội nghị khoa học ở Trung Quốc năm 2017.

Nhà khoa học 56 tuổi khẳng định ông vô tội, cho rằng những thông tin đó không thuộc dạng mật mà có sẵn trên mạng.

Khi được hỏi về cáo buộc rằng Bắc Kinh nhằm vào các nhà khoa học Nga để có được những nghiên cứu nhạy cảm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định quan hệ Trung – Nga dựa trên nguyên tắc “không liên minh, không đối đầu và không nhắm vào bên thứ ba”.

“Điều này khác cơ bản với những liên minh quân sự và tình báo dựa trên tư tưởng Chiến tranh Lạnh”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố Nga đi đầu thế giới về tên lửa siêu thanh, những vũ khí hiện đại có thể di chuyển nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh để vượt qua các hệ thống phòng không.

Một số ý kiến cho rằng việc các nhà khoa học tại ITAM bị điều tra gợi ý rằng Mátxcơva rất cảnh giác với nguy cơ đánh mất lợi thế công nghệ.

Năm ngoái, nhà khoa học laser Dimitry Kolker bị bắt ở Siberia với cáo buộc phản quốc, nhưng qua đời hai ngày sau đó vì ung thư. Gần đây, luật sư của nhà khoa học này nói với Reuters rằng ông Kolker bị buộc tội chuyển bí mật cho Trung Quốc. Gia đình ông bác bỏ cáo buộc này.

Năm 2020, ông Alexander Lukanin, một nhà khoa học ở thành phố Tomsk thuộc vùng Siberia, bị bắt vì nghi ngờ chuyển bí mật công nghệ cho Trung Quốc, Tass đưa tin thời điểm đó. Năm ngoái, ông bị kết án 7 năm rưỡi tù giam.

Cũng trong năm 2020, ông Valery Mitko, một nhà khoa học đứng đầu Viện Khoa học Bắc cực ở St. Petersburg, bị cáo buộc chuyển bí mật cho Trung Quốc, nơi ông thường đến để giảng bài. Hai năm sau, ông qua đời ở tuổi 81, khi đang bị quản thúc tại gia.

Theo Tass, Reuters
MỚI - NÓNG