Phiển bản thử nghiêm tiêm kích T-50 (PAK FA), vũ khí thế hệ thứ năm.
Quỹ Các Nghiên cứu triển vọng của Nga hiện đang đưa vào thực tế 23 dự án phát triển vũ khí thế hệ thứ 6 vốn được kỳ vọng "có khả năng làm thay đổi hoàn toàn tính chất của chiến tranh hiện đại" như tuyên bố gần đây của Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin.
Thậm chí từ nay tới cuối năm, Nga sẽ nâng con số dự án này lên tới 40. Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh: “Dự án này trong số này cũng là tiếp cận với thế hệ vũ khí thứ sáu, tức là loại vũ khí cho phép tiến hành chiến sự không phải tiếp xúc với nhau, khiến cho hầu như không còn thiệt hại chiến đấu nữa”.
Theo tờ Moskovsky Komsomolets, ở thời điểm hiện nay, rất khó hình dung ra loại vũ khí thế hệ thứ sáu vì tuyệt đại đa số các chủng loại vũ khí của Moskva hiện vẫn chỉ thuộc thế hệ thứ ba và thứ tư. Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng Nga Igor Korotchenko cho biết, vũ khí của thế hệ thứ sáu, đó trước hết là những hệ thống vũ khí trí tuệ, có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động chiến sự không tiếp xúc, tự động lựa chọn và phá hủy mục tiêu, tùy thuộc vào điều kiện sử dụng chiến đấu trên chiến trường.
Ông Korotchenko lý giải: “Đó là các loại vũ khí thông minh. Chúng có mặt trong tất cả các hướng phát triển công nghệ quân sự, từ các hệ thống chiến sự sinh học, hệ thống kỹ nghệ sinh học tới các nghiên cứu chế tạo các loại phương tiện tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao, kể cả ở dưới nước. Yêu cầu cơ bản đối với chúng, đó là khả năng thực hiện chiến tranh mạng lưới trung tâm, trí tuệ nhân tạo trong các hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự”.
“E-phi công” và tên lửa “thông minh”
Tất nhiên, các loại vũ khí thế hệ thứ sáu hiện vẫn nằm trong cái gì đó gần với khoa học viễn tưởng. Và có lẽ nêu ra thời hạn mà những mẫu vũ khí thế hệ sáu sẽ xuất hiện trong thực tế vẫn còn đang là quá sớm. Có thể, những loại vũ khí này sẽ được đưa vào sử dụng sau 15-20 năm nữa.
Hiện nay quân đội ở các nước tiên tiến nhất thế giới mới đang bắt đầu chuyển sang các loại vũ khí thế hệ thứ năm. Và đây, trong câu chuyện này, có vẻ như Liên bang Nga đã có một cái gì đó để tự hào.
Trước hết, đó là máy bay tiêm kích mới nhất T-50 (PAK FA), sẽ được cung cấp cho Không quân Nga vào năm 2016. T-50 là loại máy bay thế hệ thứ năm, được trang bị một hệ thống điện tử cơ bản mới tích hợp các chức năng của “phi công điện tử” (E-phi công) và một trạm radar đầy triển vọng với mảng ăngten theo pha.
Nó được chế tạo theo công nghệ “tàng hình”, tức là khó nhận đoán bởi các radar. Ngoài ra, T-50 có thể đạt tốc độ siêu âm mà không cần khởi động buồng đốt lần hai. Cuối tháng tư năm nay, T-50 đã được lắp thêm một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất của nó - trạm tác chiến điện tử Himalaya...
Hiện nay trong quân chủng Không quân Hoa Kỳ đã có máy bay tiêm kích F-22 “Raptor”. Đó là mẫu máy bay chiến đấu duy nhất ở thời điểm hiện nay được xếp vào thế hệ thứ năm. Các dự án nghiên cứu và chế tạo các loại vũ khí thế hệ thứ năm hiện cũng đang được tiến hành ở Trung Quốc. Ngoài các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, ở Nga hiện đang phát triển hệ thống hàng không tầm xa đầy hứa hẹn (PAK DA).
Tổng biên tập Korotchenko tiết lộ: “Đó là loại máy bay ném bom chiến lược mới thế hệ thứ năm của Nga. Nó sẽ là máy bay với tốc độ cận âm thanh và đang được nhìn nhận như máy bay chở tên lửa có cánh, có thể phóng tên lửa từ địa điểm không nằm trong khu vực hoạt động của hệ thống phòng không của đối phương.
Nhiệm vụ chính của loại máy bay này là, bí mật tiếp cận khu vực đã được xác định trước và phóng hàng loạt những tên lửa hành trình trí tuệ cao - các tên lửa này sẽ được biến đổi cho phù hợp với loại máy bay này.
Chúng sẽ tự tiến hành các phân tích cơ cấu hệ thống phòng không của đối phương dựa trên những phân tích mà radar đánh chặn đã thu nhận được và xác định cơ hội đột phá để lọt vào tiêu diệt mục tiêu một cách chắc chắn. Theo các nguồn tin công khai, PAK DA sẽ được chế tạo theo mô thức “cánh bay” với việc sử dụng công nghệ “tàng hình””.
Máy bay không người lái để tiêu diệt các mục tiêu, giải cứu những người bị thương
Được biết, trong những năm sắp tới, Washington sẽ bắt đầu thử nghiệm loại máy bay không người lái mới ARES, có thể thực hiện những nhiệm vụ hỗ trợ khác nhau trên chiến trường, chẳng hạn như, chuyên chở vũ khí khí tài tới các khu vực đồn trú xa xôi hẻo lánh, đưa đón thương binh, và, tất nhiên cả việc do thám địa hình. Ngoài ra, người Mỹ cũng đã đề cập tới một dự án có thể sắp được triển khai là nghiên cứu chế tạo loại máy bay vận tải không người lái đa năng cho quân đội.
Nếu nói về những mẫu máy bay không người lái tân kỳ nhất thì hiện nay người Mỹ vẫn chiếm vị trí hàng đầu. Lầu Năm Góc đã trang bị cho lực lượng của mình các loại máy bay không người lái MQ-1 Predator và những mẫu mới nhất MQ-9 Reaper. Đã có kế hoạch đến năm 2020 sẽ xây dựng một nền tảng UAV cơ bản có thể sử dụng được ở mọi loại hình chiến trường.
Các máy bay “không người lái” mới sẽ có thể bay trong không trung lâu hơn, có khả năng thực hiện nhiệm vụ trong các điều kiện thời tiết khó khăn, để tự động thực hiện nhiệm vụ cất cánh, hạ cánh và đột nhập vào khu vực tuần tra chiến đấu.
Ngoài ra, chúng sẽ có thể đánh chặn mục tiêu trên không, trực tiếp hỗ trợ các lực lượng tác chiến dưới mặt đất và thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tiến hành tác chiến điện tử, cũng như tận diệt hệ thống phòng không của đối phương...
Rất đáng tiếc là ở thời điểm hiện nay, người Nga vẫn chỉ có thể mơ ước tới những mô hình máy bay “không người lái” như thế. Công ty Sukhoi của Nga hiện mới chỉ bắt đầu chế tạo những máy bay chiến đấu “không người lái” công nghệ “tàng hình”.
Một số phòng thiết kế ở Kazan đang mới triển khai các đề án chế tạo máy bay tấn công “không người lái”. Moskva đã bị tụt hậu rõ rệt so với phương Tây trong lĩnh vực này.
“Armata” - xe tăng đồng đội cho robot
Lĩnh vực mà người Nga đang đi trước thời đại, đó là những công trình nghiên cứu chế tạo nền tảng của loại xe tăng thế hệ thứ năm. Dự kiến ngay trong năm tới sẽ xuất hiện chiếc xe tăng thế hệ thứ năm đầu tiên.
Tổng biên tập Korotchenko tiết lộ rằng, xe tăng thế hệ thứ năm Armata, đó là cơ sở chiến đấu để dựa trên đó sẽ chế tạo xe tăng, xe bộ binh hạng nặng, xe sửa chữa và phục hồi, cũng như các loại xe chiến đấu đặc biệt khác. Theo một số nguồn tư liệu, xe tăng đời mới sẽ có hệ thống điều hành kỹ thuật số, tổ lái sẽ ngồi trong một hộp bọc thép biệt lập.
Trên xe tăng Armata sẽ cài đặt pháo 125 mm, được điều khiển từ xa. Các xe tăng loại này sẽ có thể tiếp tục chịu đựng được cú bắn từ tất cả các loại vũ khí hiện đại và cả trong tương lai gần. Ở phương Tây chưa từng có một dự án nào tương tự được triển khai.
Theo chuyên gia quân sự Viktor Murakhovski, đi theo hướng đó, ngoài Liên bang Nga, còn có Trung Quốc (sản xuất xe tăng Type-99), Hàn Quốc (xe tăng K-1) và Nhật Bản (với xe tăng loại mới nhất Type-10). Chuyên gia này cũng cho rằng, chủng loại xe tăng mới nhất này có thể làm thay đổi một cách căn bản cán cân quyền lực trên các chiến trường hiện đại.
Chuyên gia Murakhovski nhấn mạnh, “trước hết, đó là một độ bền chắc vô tiền khoáng hậu, có thể gia tăng độ an toàn cho tổ lái một cách căn bản. Một yếu tố quan trọng khác nữa là, thế hệ xe tăng mới có hệ thống điều khiển và liên lạc riêng, có thể tự động điều khiển tự động hóa nhiều thao tác và quá trình, kể cả quá trình truy đuổi mục tiêu... Trong tương lai, các tổ lái của những chiếc xe tăng khi ra trận có thể cùng một lúc điều khiển vài ba hệ thống tự động hóa.
“Cái ô” che từ mặt đất vào không gian
Trong chủng loại vũ khí thuộc thế hệ thứ năm còn có các hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometheus. Loại tên lửa này có thể tiêu diệt cả những tên lửa đạn đạo liên lục địa trong không gian. C-500 là thế hệ mới của hệ thống tên lửa chống máy bay “đất đối không”, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới 3.500 km và tốc độ lên đến 5 km mỗi giây.
Theo các thông số kỹ thuật, S-500 phải phát hiện được và cùng một lúc tiêu diệt tới 10 mục tiêu siêu âm ở khoảng cách lên đến 600 km, tức là trong khu vực không gian gần. Giới quân sự cho rằng, các hệ thống này như thể sẽ được trang bị cho quân đội vào năm 2016.
Theo chuyên gia Victor Murakhovski, bản thân S-500 không có khả năng làm thay đổi cán cân quyền lực trong lĩnh vực vũ khí khí tài. Trong tương lai, các quốc gia hàng đầu trên thế giới sẽ chế tạo các hệ thống tích hợp toàn diện của phòng ngự không gian - vũ trụ, trong đó có cả những hệ thống hoạt động tầm xa, thí dụ như những trạm cảnh báo tên lửa ở mặt đất. Và cả các vệ tinh sẽ thực hiện nhiệm vụ theo dõi quang học không gian, các máy bay phát hiện radar tầm xa....
Các phương tiện hỏa lực cũng sẽ được đưa vào những hệ thống đồng nhất này, với tất cả các thành phần cấu thành từ hệ thống tên lửa phòng không di động tới hệ thống chống tên lửa A235 và S-500 sẽ được chế tạo trong tương lai. Những thay đổi này sẽ tác động rất mạnh đến cách thức tiến hành chiến tranh trong tương lai.
Chế ngự siêu thanh
Tên lửa siêu thanh sẽ là thứ vũ khí nối liền thế hệ thứ năm với thế hệ thứ sáu. Hiện nay người Mỹ đang thử nghiệm mẫu sơ khởi X-51A Waverider mà theo các thông số kỹ thuật được công bố, phải đạt tới tốc độ 6500 - 7500 km/h. Sau một vài thử nghiệm ban đầu thất bại, vào năm 2013, tên lửa này đã bay 426 dặm trong sáu phút, có tốc độ tối đa khoảng 5000 km/h.
Nỗ lực phát triển loại vũ khí kỳ diệu này, mà về ý nghĩa có thể so với bom nguyên tử, được người Mỹ triển khai trong khuôn khổ chương trình “Tấn công nhanh toàn cầu”. Mục đích chính của chương trình đó là để giảm thời gian bay của tên lửa hành trình chính xác cao. Tại Nga cũng đang tiến hành những dự án tương tự nhưng chúng đều mới chỉ ở giai đoạn sơ khởi.
Theo tiết lộ của Giám đốc điều hành Tổng công ty “Tên lửa chiến thuật” Boris Obnosov hồi tháng 7/2013, người Nga hiện nay đã có các tên lửa bay ở tốc độ siêu thanh nhưng mục tiêu của họ không phải là những chặng bay ngắn mà phải là những chặng bay dài hơi khí quyển...