Nếu thu phí Đại lộ Thăng Long phải đưa về trung ương

Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Sỹ Lực
Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Sỹ Lực
TP - Đề xuất thu phí trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) bị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô phản đối, nhưng một lãnh đạo của Tổng cục Đường bộ cho rằng, thu phí là hợp lý và phải chuyển số tiền thu được về quỹ trung ương để điều phối cho các địa phương.

Một lãnh đạo của Tổng cục Đường bộ (giấu tên) cho rằng, việc thu phí trong phần cao tốc là hợp lý vì đi trong phần đường này giảm thời gian, hao mòn xe, phù hợp nguyên tắc sử dụng dịch vụ tốt trả phí cao. Ngoài ra, vị lãnh đạo này cho rằng, thu phí tuyến đường này sẽ tạo ra sự công bằng giữa các vùng miền.

“Tại các vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên..., người dân cũng đóng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, nhưng không có cao tốc đầu tư bằng ngân sách để đi. Người ở các đô thị lớn cũng chỉ đóng như vậy, không thể được hưởng dịch vụ cao hơn nếu không đóng thêm tiền. Hiện các tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách như TPHCM - Trung Lương, Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn thu phí và tuyến Đại lộ Thăng Long cũng như vậy. Chúng ta không nên cứng nhắc, nếu vướng quy định sẽ sửa đổi, bổ sung”, vị lãnh đạo này nói. Tuy nhiên, theo vị này, để đảm bảo sự công bằng, điều hòa giữa các vùng miền, số tiền thu được từ Đại lộ Thăng Long phải chuyển về quỹ trung ương để điều phối cho các địa phương.

Phản đối

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiêp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, đưa ra 3 lý do phản đối. Thứ nhất, Đại lộ Thăng Long là tuyến đường đầu tư bằng ngân sách trong khi đó, theo nghị định của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ, đường đầu tư bằng ngân sách không được đặt trạm thu phí. Thứ hai, lưu lượng phương tiện trên tuyến hiện chưa cao, việc đầu tư hàng chục tỷ đồng cùng việc duy trì bộ máy thu phí sẽ không hiệu quả, lãng phí. Thứ ba, Hà Nội đã bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài để giải tỏa cho cửa ngõ Thủ đô, nên lập trạm mới tại cửa ngõ này là không nhất quán trong điều hành.

Phóng viên Tiền Phong liên lạc các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp về vấn đề này như Văn phòng Quỹ Bảo trì trung ương, Vụ Tài chính (Bộ GTVT)..., nhưng các cơ quan này chưa có ý kiến chính thức.

Phân tích tác động của đề xuất này, ông Thanh cho rằng, nếu lập trạm thu phí trong tình hình kinh tế khó khăn, “phải chắt bóp từng đồng” như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải, xe cá nhân sẽ đi sang các tuyến khác (QL 6 và QL 32).

“Quan trọng nhất, đề xuất này làm ảnh hưởng đến chính sách chung của toàn quốc về Quỹ Bảo trì đường bộ. Nếu việc thu phí được thực hiện, Chính phủ nên bỏ các quy định về phí bảo trì đường bộ hiện nay”, ông Thanh nói về việc UBND thành phố Hà Nội chỉ đề nghị thu phí trong phần đường cao tốc, phần đường gom 2 bên (vẫn có thể lưu thông toàn tuyến) không thu, ông Thanh nói: “Ngân sách Hà Nội rất lớn, được ưu đãi sử dụng một số khoản ngân sách vượt thu, nếu thực hiện giải pháp này để tăng thu là hết sức nhỏ nhặt”.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chuyển nhượng NƠXH vẫn phải đóng tiền đất; hơn 12.000 căn hộ tái định cư bỏ trống
Địa ốc 24H: Chuyển nhượng NƠXH vẫn phải đóng tiền đất; hơn 12.000 căn hộ tái định cư bỏ trống
TPO - Cảnh hoang vắng, đìu hiu trong khu tái định cư Thủ Thiêm; Chưa thực hiện miễn tiền sử dụng đất khi chuyển nhượng NƠXH; Huyện sắp lên quận ở Hà Nội bổ sung hơn 760ha đất làm loạt khu đô thị mới; Ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 6/11.