Chương trình giáo dục phổ thông mới:

Nếu thi cử không thay đổi mọi đổi mới đều thất bại

PGS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ về môn Ngữ Văn mới.
PGS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ về môn Ngữ Văn mới.
TP - Tại buổi hội thảo khoa học định hướng về công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới được tổ chức hôm qua, 22/4, GS.TSKH Đỗ Đức Thái khẳng định nếu thi cử không thay đổi mọi cuộc đổi mới giáo dục đều thất bại.

Theo GS Đỗ Đức Thái, Chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển đổi từ cách tiếp cận nội dung (là quan tâm xem học sinh được học bao nhiêu kiến thức, có thể làm được bao nhiêu dạng bài tập, đi thi kết quả như thế nào) sang cách tiếp cận năng lực là học xong cái đó, học sinh làm được gì.

GS Đỗ Đức Thái đã chỉ ra một số hạn chế của chương trình hiện hành môn Toán để thấy được bức tranh chung hiện nay. Bộ sách giáo khoa thể hiện chương trình đó được viết cho giáo viên dạy trên lớp, không phải là bộ tài liệu để học sinh tự học. Mối liên hệ với thực tiễn không nhiều.

Cùng với đó là chính sách trong quản lý giáo dục đặt nặng thi cử đánh giá đã khiến dư luận bức xúc. “Khi trao đổi với các giáo viên trường chuyên, điều tôi nhận thấy điểm chung ở họ là phải cố gắng có học sinh giỏi bằng mọi cách kể cả từ một kỳ thi tưởng như vô thưởng vô phạt như violympic” - GS Thái cho hay.

Chính vì vậy, GS Đỗ Đức Thái Khẳng định nếu không thay đổi được cách nhìn nhận đánh giá của cấp trên trong ngành giáo dục như chế độ  thi cử tuyển sinh của chúng ta hiện nay thì chúng ta lại thất bại như tất cả các lần đổi mới trước.

“Tôi hy vọng lần đổi mới này, học sinh sẽ không còn phải học theo cách như hiện nay. Con em mình quá khổ. Con tôi là một ví dụ. Cháu học lớp 9, mỗi tuần có hai phiếu bài tập, lớp 8 mỗi phiếu 2 trang, lớp 9 mỗi phiếu 3 trang A4. Ước vọng lớn nhất của cháu là có thời gian để ngủ, để được xem phim nhưng không có. Mặc dù tôi không gây áp lực. Cả guồng máy đó nghiền nát mỗi học sinh” - GS Thái nêu thực tế.

Ông cũng cho biết trong 15.000 câu hỏi về chương trình tổng thể ở trên tất cả các báo, mạng xã hội mà ông đọc được thì tựu chung có 3 yếu tố then chốt: giáo viên có thay đổi không, cơ sở vật chất có đảm bảo không, chính sách quản lý, thi cử có thay đổi không. Chính vì vậy ông cho rằng trước hết phải bắt đầu từ giáo viên nếu không sẽ thất bại hoàn toàn.

Đồng ý với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết vấn đề mấu chốt nhất chính là đội ngũ giáo viên, không ai có thể thay thế được. Chính vì vậy bà Nhiếp đưa ra một số đề xuất cần có chính sách để tạo động lực đối với giáo viên.

Đồng thời cũng phải mạnh dạn thanh lọc giáo viên. Đi kèm với đó là phải thay đổi cách đánh giá, bồi dưỡng giáo viên. “Nếu giáo viên đã được bồi dưỡng tập huấn mà vẫn không đạt thì cũng đừng bắt học sinh phải học những giáo viên đó. Vì khi giáo viên không đủ năng lực thì họ sẽ không có nhiệt huyết” – Bà Nhiếp nói.

Chia sẻ tại hội thảo, hiệu trưởng trường tiểu học Cát Linh, Hà Nội lo lắng vì 2018 bắt đầu thực hiện thì không biết công tác bồi dưỡng giáo viên như thế nào.

Cô hiệu trưởng của trường cũng hiểu không nên chạy đua với các cuộc thi “vô thưởng vô phạt” nhưng các trường đang phải chịu sức ép từ đầu ra của mình để vào lớp 6 tại các trường điểm. Chính các trường yêu cầu phải có giải cuộc thi này cuộc thi kia nên phụ huynh tạo sức ép lên các trường.

Ông Nguyễn Ngọc Cầu, hiệu phó Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý, Sở GD&ĐT Hà Nội băn khoăn tại sao cũng đơn vị kiến thức đó nhưng kết quả đầu ra của Việt Nam khác, các nước lại khác.

“Tôi chỉ có một lăn tăn tại sao có sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước đến thế. Học sinh ở các nước phát triển, cũng chỉ học phép toán 2+3 = 5, ở Việt Nam cũng gần gần trùng khớp. Nhưng khi học xong THPT, các nước cho ra đời một con người khác, Việt Nam lại ra một kiểu khác. Không biết chương trình mới có trả lời được câu hỏi đó không?”, ông Cầu băn khoăn.

Trả lời băn khoăn của các giáo viên, cán bộ quản lý, GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho rằng việc tăng tiền lương là vượt quá sức của Bộ vì nó phụ thuộc vào kinh tế của đất nước. “Tôi  nghĩ chúng ta vẫn tìm được cách vận động quần chúng (giáo viên, phụ huynh, xã hội) để có thể thay đổi hướng tới dạy tốt con em mình.

Mỗi giáo viên là một tri thức. Tôi có thể không đi siêu xe nhưng tôi vẫn có niềm tự hào riêng. Vấn đề mỗi cấp quản lý, mỗi nhà trường phát huy được điều đó. Tôi ngờ rằng sự lãnh đạo cuả chính hiệu trưởng là rào cản khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên. Chứ không phải là tiền” – GS Thái cho hay.

Còn cơ sở vật chất, các cấp lãnh đạo phải đảm bảo điều kiện để thực hiện đó. Những người  làm chương trình giáo dục có trách nhiệm đưa ra một chương trình đúng như mong muốn  để đưa đất nước đi lên. Còn thể chế chính trị, các cấp lãnh đạo phải có trách nhiệm để đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện điều đó.

“Tôi khuyên các đồng chí hiệu trưởng nếu cơ sở vật chất không đảm bảo thì giảm chỉ tiêu. Bình thường tuyển 300 học sinh, giờ chỉ đảm bảo để dạy 150 học sinh thì chỉ tuyển bằng đó thôi. Còn lại 150 học sinh, phải “đẩy lên” cho các cấp quản lý lo. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy. Nếu không đảm bảo cơ sở vật chất thì phải giảm chỉ tiêu” - GS Thái khẳng định.

Vì theo GS. Thái phân tích, nếu các trường THCS chất lượng cao, nổi tiếng mà vẫn tiếp tục tuyển sinh như hiện nay thì sẽ tạo ra các vecto ngược chiều, là barie cản trở giáo dục đi lên. “Nhiệm vụ của chúng ta là tất cả các vecto trong tổng hành giáo dục là phải tương đối đồng đẳng với nhau về phương và chiều” - GS Thái ví von.

MỚI - NÓNG