Một tướng Giáp thơ
Năm xa, được nhà báo Cao Thâm ( khi ấy là là Báo Bắc Thái) đưa đến gặp một ông Ké Tày chỉ cụ Doanh Hằng (1925-2012), nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Kạn; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái.
Một phần đêm nghe cụ ê a trầm bổng suốt lượt một trường ca bằng tiếng Tày.
Tác giả trường ca ấy là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nói một cách chuẩn chỉnh thì đó là một bài thơ dài gồm 118 câu có đầu đề là “Việt Minh ngũ tự kinh” do Võ Nguyên Giáp dịch ra tiếng Tày, và tiếng Dao.
Việt Minh ngũ tự kinh, thể thơ 5 chữ toát yếu nội dung căn cốt để tuyên truyền chính sách của Việt Minh khi mới ra đời. Phải là người thạo tiếng Dao và Tày thì Võ Nguyên Giáp mới có thể diễn dịch nội dung thành thể thơ ngũ ngôn như thế.
Cao Thâm bộc bạch, công tác ở Việt Bắc may mắn chứng kiến Võ Đại tướng những lần về thăm dùng tiếng Tày, tiếng Dao, tiếng Mông nói chuyện thoải mái với bà con nhưng chưa bao giờ nghe vị tướng này là dịch giả một trường ca?
“Dân hẩy bầu Chính phủ/Tặc luật lệ kỷ cương/Sloon cạ căn kin dú/Tẳng có đẩy bản mường/Cần mưa pù, tẩu tổng/Cần háng phú, nông thôn/Xày căn tỉnh tiếng sloon/Tờ slương, slết, kết đoàn...
(Bản dịch ra tiếng Tày)
(“Dân khắc bầu Chính phủ/Dân có quyền tự do/Được hội họp tha hồ/Được nói bàn phải trái/Được bán buôn đi lại/Trên đất nước nhà mình)
Trên căn nhà sàn, chất giọng tha thiết lúc vổng vót lúc trầm rè của cụ Hằng cứ đều đều cất lên như thế. Bên ngoài cánh thanh niên nam nữ người Tày, người Dao thích thú vây quanh chăm chú lắng nghe.
Họ lắng nghe người cán bộ lão thành đang hát – nói kia, năm 1942 được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp giác ngộ, tham gia Việt Minh. Cụ Hằng là một trong 3 đảng viên đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Trong những năm tháng gian khổ ấy, Đại tướng đã sống cùng đồng bào, nói tiếng nói của đồng bào và được đồng bào thương yêu đùm bọc như ruột thịt.
Về tài liệu “Việt Minh ngũ tự kinh” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Doanh Hằng kể: Năm 1941, khi Mặt trận Việt Minh mới ra đời, Bác Hồ làm diễn ca về “Mười chính sách Việt Minh” bằng thơ lục bát cho mọi người dễ thuộc. Việt Bắc, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông sinh sống. Để phù hợp với tình cảm, lối nghĩ, cách nói của đồng bào địa phương, Thầy giáo Sử Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến hiệu ứng vượt trội khi chuyển bài diễn ca trên của Bác Hồ sang thể thơ năm chữ gọi là “Việt Minh ngũ tự kinh”. Và chính Đại tướng dịch ra ba thứ tiếng: Tày, Dao, Mông.
“Việt Minh ngũ tự kinh” được phổ biến rộng rãi trong đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Tháng 5/1942, Đảng bộ liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng quyết định lấy “Việt Minh ngũ tự kinh” làm tài liệu tuyên truyền chính trong quần chúng và các lớp huấn luyện chính trị, văn hoá. Nhờ đó, số lượng hội viên tăng nhanh, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ.
Rồi giặc tăng cường lùng sục đàn áp, cụ Doanh Hằng kể, lúc khám xét một bản Dao, bọn địch tìm thấy trong nhà một hội viên cuốn “Việt Minh ngũ tự kinh”. Đồng chí hội viên này bị chúng bắn chết rồi chặt đầu, tay và chân đem về bêu tại châu lỵ Nguyên Bình. Một hôm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang giảng bài tại một lớp huấn luyện ở Cẩm Lý thì bọn địch ập tới, lớp học kịp rút vào rừng. Chúng bắt được một người dân tộc Dao làm nhiệm vụ canh gác lớp học, liền chặt đầu đem đi...
*
Thời gian làm hàng xóm với Nhà thơ Việt Phương ở Khu Hoàng Cầu, chúng tôi may mắn được ghé qua nhà ông nhiều lần.
Cuốn Cửa Mở của thi sĩ Việt Phương được tái bản nhiều lần. Anh bạn nhạc sĩ cùng đi, trong không khí thân mật cứ nèo nhà thơ cho coi tập Cửa Mở xuất bản năm 1989.
Có gì lạ nhỉ? Tôi thầm nghĩ.
Và quả là lạ. Nếu không muốn nói là đặc biệt.
Bởi ngay trang đầu là thủ bút bài thơ của Đại tướng.
Mấy vần thơ buông
Tặng thi sĩ Việt Phương
Anh Việt Phương ơi/Tôi chúc anh trẻ mãi không già/Hai ba mươi năm nữa vẫn còn xuân phơi phới/Cửa đã mở rồi/Hoa thơm hoa đẹp từ bốn phương đưa lại/Hoa nở thành thơ, từng chùm, từng chùm/Chàng trai ta vừa ngâm vừa hát/Vừa nhìn về tương lai, ung dung tiến bước/Ngâm rằng: ê a, ê a/Trẻ mãi, ê a, trẻ mãi không già... a a/Trong những ngày gạo châu củi quế/Ta vẫn có những giờ phút rất vui, rất “giui”/Ê a, ê a/Tương lai thuộc về chúng ta/Trẻ mãi, trẻ mãi, trẻ m...ã...i...
Tiếp theo, Đại tướng mở ngoặc ghi chú:
“Ngâm kéo dài rồi xuống giọng dần... từ soprano đến mezzo, rồi...”
Và ký tên kèm dòng chữ:
“Một người làm mấy câu thơ buông bằng tay trái”. Mồng 5 tháng 12 năm 1988.
Sau chất giọng hào sảng của anh bạn nhạc sĩ đọc lại bài thơ rất có nghề bằng cách nhấn nhá câu chữ, âm tiết, nhà thơ Việt Phương xúc động: “Mấy chữ Cửa đã mở rồi của Đại tướng đối với tôi mang ý nghĩa thời đại”.
Như các bạn biết, thời điểm ấy Việt Nam vừa bước vào tiến trình đổi mới. Và với tôi, sau những sóng gió của tập thơ Cửa mở xuất bản năm 1970, năm 1988 tập Cửa mở được tái bản, Đại tướng nhấn nhá như một âm thanh reo mừng.
Cửa đã mở rồi!
Nhà thơ Việt Phương nói tiếp.
Các bạn để ý đến mấy chữ cuối 5/12/1988. Trong lần làm việc ấy với Võ Đại tướng, khi công việc kết thúc, tôi có ngỏ cùng Đại tướng rằng Cửa Mở có khả năng sẽ tái bản. Đại tướng nói chuyển cho Đại tướng bản thảo. Mấy hôm sau, Anh Văn trao lại bản thảo Cửa Mở và bài thơ này.
Như một bài ca. Như luồng sinh khí mới.
Một giọng ca! Anh bạn nhạc sĩ hào hứng với câu nhà thơ Việt Phương vừa nói. Anh xin phép nhà thơ cho nói thêm về mấy cái ghi chú của Tướng Giáp bên bài thơ. Rằng khi Đại tướng ghi Soprano là để chỉ chất giọng nữ và có âm vực cao trong tất cả các loại giọng. Âm vực của dạng này trải dài từ nốt trung đến cao trong dàn hợp xướng.
Nghe vậy tôi hấp tấp đòi anh giảng luôn chữ mezzo. Đại tướng ghi là gì?
Anh bạn nhạc sĩ cười. Là cái chất của giọng nữ trung nhà báo ạ!
***
Tôi chợt nhớ năm 1999, lần ngồi ấy với nhà thơ Việt Phương, tôi đã gạn người thư ký đặc biệt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về những xì xào thời điểm 1970 rằng Cửa Mở có vấn đề!
Ngạc nhiên thấy ông liệt kê ra nhiều ý kiến nhận xét của các vị Lê Duẩn, Trường Chinh (Sóng Hồng) đều nói không có vấn đề gì cùng rất khen trong đó có cả chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thủ bút bài thơ buông của Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Chuyện là thời gian đó có một cán bộ quân đội là bạn Việt Phương. Ông kể cho Việt Phương nghe một ông tướng đã trình lên Tướng Giáp một báo cáo trong đó Cửa Mở đã lệch lạc ra sao và có nguy cơ làm rối hậu phương quân đội như thế nào. Đại tướng, báo cáo thì vẫn cầm nhưng chất giọng điềm tĩnh thong thả anh nên đọc lại nhà thơ Việt Phương!
Nhà thơ Việt Phương! Có lẽ cụm từ bấy nhiêu đó cũng đủ?
Chỉ có thi sĩ với nhau thì mới có sự tri âm đồng điệu đến vậy?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Mường Phăng, Thành phố Điện Biên năm 2004 |
Và nhạc
Một chiều mùa thu năm 1984. Tôi theo chân nhà văn Sơn Tùng đến nhà Tướng Giáp ở 30 Hoàng Diệu. Sơn Tùng thường xuyên được Đại tướng cho phép đến nhà riêng mà không báo trước.
Thời gian này có lẽ là thời điểm khó khăn của Đại tướng? Nhiều bài viết đã đề cập. Khỏi nhắc lại…
Chợt nhà văn Sơn Tùng sững lại. Có lẽ âm thanh của tiếng đàn Piano trên gác vọng xuống. Ông ra hiệu cho tôi là Đại tướng đang đàn.
Đa Nuýp xanh đấy! Chất giọng Sơn Tùng phấn khích. Cái khoản nhạc này thì tôi chịu.
Đại tá Huyên cận vệ kiêm thư ký ân cần ra đón khách. Đại tá cười, cũng sắp xong giờ đàn rồi.
Thì ra Đại tướng tập đàn. Tuần nào cũng dành ra hai buổi.
Bao nhiêu năm đã qua đi. Tôi đã bẵng đi âm thanh Piano chiều thu bất chợt ấy. Và cả chuyện học đàn của Đại tướng.
Chỉ lần ấy tôi đi cùng xe với Chu Thành (con Tướng Chu Văn Tấn) và anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng lên Bắc Sơn dự lễ 70 năm ngày khởi nghĩa Bắc Sơn. Chúng tôi ghé Võ Nhai thắp hương trước mộ Tướng Chu Văn Tấn. Đêm ấy được nằm cùng phòng với hai vị. Tôi khơi ra chuyện Piano của Tướng Giáp. Chợt nhớ lời nhà văn Sơn Tùng năm xa ấy và Tướng Giáp không phải đang học đàn mà đã thạo khoản Piano lâu rồi khi nghe chuyện anh Võ Hồng Nam.
Tướng Giáp học đàn và đàn |
Anh Nam kể rằng tiếp quản Thủ đô, Tướng Giáp đã thạo đàn. Chẳng rõ ông học và làm quen với thứ nhạc cụ cao cấp này từ bao giờ? Bởi nếu dạng mới tập, mổ cò thì ngón đàn phải khác?
Nhưng Tướng Giáp là người rất cầu thị. Từ những năm đầu 60, ông nghiêm cẩn kiên trì bên bà Hồng Hạnh, vợ nhà văn Đào Vũ vốn rất thạo các ngón Piano kèm cho tuần 2 buổi. Cũng là tình cờ. Thời gian ấy bà Hạnh đang kèm piano cho tướng Lê Liêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam). Hai tướng vốn chơi thân với nhau. Tướng Giáp ngỏ ý muốn được học thêm.
Cuốn Việt Minh ngũ tự kinh đã được chép tay, được in đá phát hành rộng rãi khắp bản làng. Như một cú hích cho phong trào cách mạng sôi nổi lan tỏa khắp các vùng Cao Bắc Lạng báo hiệu cơn bão Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 - 1945.
"Sau này lớn lên được nghe bố đàn cho nghe những khúc dân ca Việt Nam, đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh và các bản nhạc cổ điển thế giới, tôi có tò mò hỏi mẹ tôi, bố học nhạc lý bao giờ mà thạo vậy? Mẹ tôi (GS Đặng Bích Hà) cười, bố học rất chăm rất nghiêm. Phần nhạc lý thì nhạc sĩ Tô Vũ kèm luôn cho hơn 2 năm. Cô giáo Hồng Hạnh rất phục bố. Cô ấy nói, nhiều kỹ thuật phức tạp, nhất là đối với người nhiều tuổi lại càng khó hơn nhưng hình như bố có khiếu cả về thẩm âm lẫn kỹ thuật. Có lẽ vậy nên bố tôi rất thích chơi 4 tay (2 người cùng đánh một bản nhạc trên một đàn) Cô giáo Hồng Hạnh nói, Anh Văn là học trò giỏi nhất mà tôi đã từng dạy đàn!" - Anh Nam kể.
Sau thời điểm 5/8/1964, cả nước bước vào thời chiến, dự định muốn được sáng tác nhạc cùng cái thú tao nhã nâng cao trình độ chơi Piano của tướng Giáp đành xếp lại. Cho mãi đến những năm cuối 80 Tướng Giáp mới có thời gian nối tiếp thú vui đó.
Còn chuyện Tướng Giáp đã tập Thiền và thành thạo ra sao, xin khất một dịp khác!