Quốc hội không “êm ru” trước những bức xúc của dân

Nên tổ chức giải trình về các vấn đề bức xúc của xã hội

Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ tư. Ảnh: Nhật Minh.
Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ tư. Ảnh: Nhật Minh.
TP - Theo quy định, mỗi năm Quốc hội nước ta chỉ họp 2 lần nên vai trò của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban và đại biểu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc lắng nghe, lên tiếng trước những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm.

Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hiện trong Luật giám sát của Quốc hội và HĐND cũng đã quy định rõ, khi cần thiết thì Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức đến để giải trình về những vấn đề mà đại biểu, cử tri quan tâm.

Luật quy định rõ ràng là thế. Nhưng thực tế, trong thời gian qua việc tổ chức các phiên giải trình (điều trần) tại các ủy ban của Quốc hội nhìn chung còn thưa thớt. Có tổ chức thì đôi khi lại muộn, không cùng nhịp với các vấn đề nóng và những vấn đề bức xúc nảy sinh. Ví dụ, như thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy ở các tòa nhà chung cư nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước lại bị đổ quanh, không rõ ràng. Lẽ ra trước vấn đề bức xúc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc ủy ban nào đó của Quốc hội có thể phối hợp tổ chức phiên giải trình để yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ giải trình làm rõ thực trạng và giải pháp.

Gần đây nhất, liên tiếp xảy ra các vụ việc bức xúc trong môi trường giáo dục, như cô bắt học trò quỳ; phụ huynh bắt cô giáo quỳ; học sinh đâm thầy giáo; thầy giáo dâm ô học sinh… Rồi hàng loạt các vụ việc người nhà, côn đồ hành hung bác sỹ… Trước những vụ việc bức xúc như thế, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hoặc Ủy ban Về các vấn đề xã hội nên tổ chức các phiên giải trình để nghe các bộ, ban ngành báo cáo và đề xuất các giải pháp. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là sự nhạy cảm, là khả năng theo kịp với đời sống xã hội của các ủy ban, đại biểu Quốc hội, bởi luật đã cho phép tổ chức các phiên giải trình rồi. Hơn nữa, giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội (đồng thời với lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước), cũng chính là bổn phận của cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực nhà nước tối cao trước cử tri. Nếu chưa kịp giám sát thì có thể tổ chức ngay các phiên giải trình (điều trần) để làm rõ thực trạng và tìm ra giải pháp. Như thế mới đáp ứng được yêu cầu của người dân. Nếu không kịp thời thì sẽ tạo ra khoảng cách với nhân dân. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: “Quốc hội không thể êm ru trước những vấn đề nhân dân bức xúc”. Do đó, thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội cần phải đổi mới hoạt động, trong đó chú trọng hơn nữa vào việc lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời lên tiếng hoặc tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề bức xúc mà nhân dân, xã hội đặt ra.

Vẫn còn tâm lý ngại ngần với điều trần, giải trình

Ông Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ở các nước khi xảy ra các vấn đề nóng, thì quốc hội, nghị viện thường tổ chức ngay các phiên điều trần. Còn ở ta, thời gian qua dù cũng đã thực hiện nhưng còn hạn chế, chưa thường xuyên hoặc tổ chức thì lại có độ trễ về mặt thời gian so với sự kiện xảy ra.

Do đó, nhiều vấn đề nóng, bức xúc nảy sinh trong xã hội thời gian qua đã không được cơ quan của Quốc hội tổ chức để nghe các bộ ngành báo cáo, giải trình…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân là do cách thức vận hành, tổ chức hoạt động của Quốc hội nước ta khác với nhiều nước trên thế giới. Ở các nước người ta đã quen với hoạt động điều trần và hoạt động đó diễn ra thường xuyên. Còn ở ta khi nói đến điều trần thì một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tâm lý ngại ngần, chưa quen.

Thứ hai, tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở ta vẫn còn thấp, đa số vẫn là kiêm nhiệm. Do đó, việc sắp xếp, bố trí tham gia hoạt động ở các ủy ban của các đại biểu kiêm nhiệm là khá hạn chế. Trong khi đó, lịch trình làm việc của Hội đồng Dân tộc, cũng như các ủy ban của Quốc hội những năm gần đây tương đối kín khi phải tiến hành giám sát, thẩm tra các luật, quyết định các vấn đề quan trọng. Đặc biệt, do đây là vấn đề mới, chưa quen, nên một cơ quan nào đó của Quốc hội muốn tổ chức một phiên điều trần thường mất khá nhiều thời gian để bàn bạc, xin ý kiến các cơ quan tổ chức có liên quan. Ví dụ vấn đề cháy nổ chung cư, ủy ban nào đó của Quốc hội muốn tổ chức phiên giải trình thì phải chuẩn bị kế hoạch, xây dựng lịch trình, thống nhất lịch trình với những cơ quan có liên quan như Bộ Công an, Bộ Xây dựng, chính quyền các địa phương, chủ đầu tư… Công việc này ở ta đôi khi mất rất nhiều thời gian. Đây cũng là lý do khiến cho việc điều trần của chúng ta chưa được tổ chức thường xuyên, kịp thời như hoạt động nghị viện của các nước khác…

Tuy nhiên giờ đây, chúng ta đã hội nhập với quốc tế nên không thể đứng ngoài cuộc với cách thức tổ chức giải trình, điều trần được nữa. Chúng ta phải theo luật chơi chung và luật chơi đó chỉ làm cho Quốc hội tốt lên, sát với dân hơn. Hiện nay Bộ Chính trị đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội xây dựng đề án đổi mới hoạt động tổ chức Quốc hội. Đề án hiện nay đang được chuẩn bị và trên cơ sở đó sẽ kiến nghị sửa đổi các quy định để đổi mới hoạt động giám sát, tổ chức đa dạng các hình thức giám sát, giải trình, điều trần để làm sao hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của người dân. Bên cạnh đó, cũng phải tính toán để nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm đại biểu kiêm nhiệm. Như vậy mới đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người dân đối với hoạt động của Quốc hội.

MỚI - NÓNG