Nên dạy chữ Hán Việt từ cấp 1

CTV Ngọc Thạch
CTV Ngọc Thạch
TP - CTV Ngọc Thạch, người biên dịch và thuyết minh phim Trung Quốc (Bao Thanh Thiên, Tam Quốc, Thủy Hử...) đã gửi đến báo Tiền Phong bày tỏ ý kiến về cách dùng từ Hán Việt trên phim ảnh và phương tiện truyền thông nói chung hiện nay.

Không muốn dùng cũng không được 

Trước hết, phải hiểu từ Hán Việt của ai? Của Việt Nam ta hay Trung Quốc.

Xin cam đoan từ Hán Việt của người Việt chúng ta. Nếu bạn dùng bất cứ từ Hán Việt nào để giao lưu với người Hán thì họ cũng chịu, vì nó được diễn tả bởi ngôn ngữ tiếng Việt, chỉ người Việt hiểu. Cũng như những từ có nguồn gốc tiếng Pháp như xà phòng, xích, líp... chỉ người Việt mới hiểu dù gốc gác của nó là tiếng Pháp.

Cho nên, không nên và khó tránh né việc sử dụng từ Hán Việt vì số lượng của nó quá nhiều, có người nói chiếm khoảng 60-70% từ ngữ tiếng Việt, có người còn cho là nhiều hơn.

Hầu hết từ chính trị mà chúng ta dùng hằng ngày đều là từ Hán Việt, như tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các từ độc lập, tự do, hạnh phúc. Các chức vụ lãnh đạo nhà nước tổng bí thư, chủ tịch, thủ tướng…Tên cơ quan đoàn thể như Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản…

Nên thế nào?

Việc nhiều người băn khoăn trong sử dụng từ Hán Việt có nguyên nhân của nó. Đôi chỗ đây đó, một số người quá lạm dụng từ Hán Việt khiến người ta khó hiểu. Xem phim TH Trung Quốc, thường thấy nhiều người dịch mắc căn bệnh này. Xin lấy một số ví dụ. Có người dịch là “nhất quốc chi vương”. Lẽ ra phải dịch “vua một nước”. Có người dùng từ “thừa nhượng”. Lẽ ra phải dịch là “đã nhường nhịn”.

Nhất là khi gặp những câu cổ văn, cổ thơ, người dịch cứ bê nguyên xi âm Hán Việt, khiến chẳng hiểu gì?Ví dụ thì rất nhiều, đã trở thành nỗi ám ảnh khó chịu với người xem.

Vậy thì khi nào nên dùng từ Hán Việt, khi nào Việt hóa? Xin tạm nêu ý kiến chủ quan.

Trước hết tên gọi, bao gồm cả bí danh, tên hiệu - nên giữ nguyên từ Hán Việt, tuy vậy cần có sự giải thích cho dễ hiểu. Ví dụ như: Cập thời vũ - Tống Giang (“Cập thời vũ” là cơn mưa đến kịp thời). Bao Thanh Thiên, thảo dân, cẩu đầu trảm, hổ đầu trảm, long đầu trảm…nên giữ nguyên âm Hán Việt mới giữ được khẩu khí, sự trang trọng, hơn là dùng từ thuần Việt như: Bao trời xanh, cỏ dân, dao chém chó, dao chém hổ, dao chém rồng….

Người Việt dùng khá nhiều thành ngữ của Trung Quốc, có câu nên dịch thuần Việt, có câu nên giữ nguyên. Ví dụ “Tọa tỉnh chi oa” nên dịch là “ếch ngồi đáy giếng”. “Thọ tỷ Nam Sơn” nên dịch “ sống lâu như núi Nam”. “Kinh cung chi điểu” dịch “chim sợ cây cong”. “Loạn thế xuất anh hùng” dịch “anh hùng sinh ra trong thời loạn”. Những câu này, tuy dịch ra tiếng Việt nhưng vẫn còn giữ chút hơi hướng tiếng Hán. 

Tuy nhiên có nhiều câu, khi dịch ra tiếng Việt, sẽ chẳng còn chút dư vị tiếng Hán nữa. Ví dụ: “Ngật bất liễu đâu trước tẩu” (nguyên văn là: Ăn không hết cho vào túi đem đi) nên dịch là: “lãnh đủ” hoặc “no đòn”. Khi dịch thành ngữ, nếu có khả năng Việt hóa mà không ảnh hưởng nghĩa gốc của câu chữ, nên cố gắng tối đa để người xem dễ hiểu.

Một số câu đã được người Việt quen dùng, thấu hiểu từ lâu, có thể giữ nguyên âm Hán Việt như “Uy vũ bất năng khuất”, “Tam thập nhi lập”, “Đồng âm dị nghĩa”, “Phú quý sinh lễ nghĩa”, “Bần cùng sinh đạo tặc”, “Trà dư tửu hậu”, “Thâm cung bí sử”. Đặc điểm của những từ Hán Việt này là khá ngắn gọn súc tích và vì đã sử dụng lâu đời, nên mọi người hiểu được.

Một vấn đề nữa, từ Hán Việt đồng âm dị nghĩa rất nhiều, nếu không phân biệt, sẽ khó chính xác. Ví dụ chữ “chí”, có bao nhiêu nghĩa? Chí là chí hướng, ý chí, nhưng còn có nghĩa “đến”. “Họa vô đơn chí” có nghĩa “tai họa thường không đến một mình”. Người ta không nói “hoàn thành xong” mà chỉ là “hoàn thành”. “Song hành” có nghĩa là đi song song (“hành” là đi), nên không ai nói “đi song hành”.

Những ví dụ như vậy rất nhiều. Cho nên, một trong những vấn đề sử dụng tiếng Việt cho học sinh, là phải nâng cao hiểu biết của các em về từ Hán Việt. Muốn vậy phải nâng cấp trình độ Hán Việt của thầy cô dạy văn, từ lớp 1 trở lên.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.