Nên dành quyền chủ động cho trường

Cảnh đón con làm tắc đường Nguyễn Thái Học trước cổng trường tiểu học Phan Chu Trinh (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
Cảnh đón con làm tắc đường Nguyễn Thái Học trước cổng trường tiểu học Phan Chu Trinh (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, việc điều chỉnh giờ học để giảm thiểu ùn tắc giao thông giờ cao điểm là một sáng kiến nhưng không nên áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính.

> Sau bài: “Sẽ đổi giờ học, giờ làm”: Bạn đọc hiến kế
> Sẽ đổi giờ học, giờ làm để tránh tắc đường?

Có thể giao quyền chủ động cho các hiệu trưởng.

Cảnh đón con làm tắc đường Nguyễn Thái Học trước cổng trường tiểu học Phan Chu Trinh (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
Cảnh đón con làm tắc đường Nguyễn Thái Học trước cổng trường tiểu học Phan Chu Trinh (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Các trường gần nhau nên vào học lệch giờ

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, đây không phải lần đầu tiên vấn đề điều chỉnh giờ học của các trường phổ thông ở các thành phố lớn được đặt ra.

Chẳng hạn tháng 8-2011, trước thềm năm học 2011 – 2012, UBND quận Hoàn Kiếm đã bàn việc triển khai thí điểm lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông ở phường Hàng Trống, trong đó có đưa ra giải pháp điều chỉnh giờ vào học lệch nhau của các trường trên địa bàn.

Sở dĩ quận Hoàn Kiếm chọn làm điểm tại phường Hàng Trống vì đây là điểm khó khăn nhất quận trong vấn đề này. Địa bàn phường hẹp nhưng lại tập trung nhiều trường: Mầm non Tháng 8, các trường tiểu học Tràng An, Trần Quốc Toản, các trường THCS Tân Trào, Hoàn Kiếm.

Hiệu trưởng các trường sẽ ngồi họp cùng công an, UBND phường để bàn bạc tìm phương án phối hợp tốt nhất. Việc triển khai kế hoạch sẽ bắt đầu từ tháng 11-2011.

Theo ông Nguyễn Thế Đại, nguyên trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, cách đây gần chục năm, một số trường gần nhau của Ba Đình cũng đã bố trí giờ vào học lệch nhau.

“Khi ấy tôi là hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ đã bàn với hiệu trưởng Trường THPT Hà Nội - Amsterdam và thống nhất trường tôi vào học lúc 7 giờ 15, trường bạn vào học lúc 7 giờ 30. Chỉ lệch nhau 15 phút thôi nhưng tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến phố dẫn đến hai trường giảm đáng kể”, ông Đại kể.

Không nên áp đặt

Tuy nhiên, kể cả những người ủng hộ việc điều chỉnh giờ học cũng cho rằng, trước khi chỉ đạo thực hiện quyết liệt vấn đề này, các cơ quan chức năng cần đưa ra được những lý lẽ để người dân tâm phục khẩu phục.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội nói: “Việc thay đổi giờ học tạo nên một sự xô lệch lớn. Cần phải điều tra xem tỉ lệ học sinh cần cha mẹ đưa đón con là bao nhiêu phần trăm rồi mới có quyết định. Nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ nên thực hiện ở những khu vực trọng điểm”.

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng đổ lỗi cho phụ huynh trái tuyến đưa đón con làm tắc đường là không công bằng. Tỉ lệ học sinh trái tuyến cao thường chỉ tập trung ở một vài điểm nóng. Các trường bình thường, tỉ lệ học sinh trái tuyến chỉ 5 - 10%.

“Trường Tiểu học Điện Biên ở phố Quán Sứ chẳng hạn, hầu hết học sinh sống ở một vài tuyến phố xung quanh trường. Vậy mà học sinh toàn được người nhà đưa đi học bằng xe máy. Lo lắng cho con là tình cảm chính đáng của các bậc phụ huynh nhưng theo tôi, nên rèn luyện ý thức tự lập cho các con, không tự mình góp phần gây thêm tình trạng quá tải giao thông”, một cán bộ phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm nói.

Một lo ngại khác của các cán bộ quản lý giáo dục trong việc điều chỉnh giờ học của các trường là sự thái quá dẫn đến bất cập. Không nên có những áp đặt hành chính mà nên giao quyền chủ động cho hiệu trưởng, dựa trên sự bàn bạc giữa các trường trong khu vực với nhau và dân cư trên địa bàn.

Chẳng hạn, với những trường học 2 buổi/ ngày thì việc điều chỉnh giờ học thuận lợi hơn những trường học sinh phải học 2 ca. Tuy nhiên, đa số trường được học 2 buổi/ ngày là trường tiểu học. Hầu hết trường THCS và trường THPT các quận nội thành Hà Nội hiện nay phải học 2 buổi/ ngày.

“Giờ vào học của các trường THPT hiện nay chủ yếu là 7 giờ - 7 giờ 15, theo đó các em tan học lúc gần 12 giờ. Nếu lùi giờ học muộn hơn từ nửa tiếng đến 1 tiếng, giờ tan học diễn ra lúc khoảng 1 giờ và đó là thời điểm rất bất lợi cho việc tiếp thu bài học của học sinh. Nếu bố trí cho các em học cả ngày thì đại đa số các trường không có điều kiện về phòng ốc. Mà các trường thì không thể cắt bớt tiết học của học sinh”, thầy Phạm Văn Hoan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội nhận xét.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG