> 'Không phát hiện tham nhũng, tôi không tin!'
Người dân nơi đây đã gùi những gùi đất đổ vào hốc đá, chỉa từng hạt ngô là cây xóa đói giảm nghèo của vùng đất này. Khó khăn là thế nhưng kỳ vĩ đến lạ lùng và chính nơi này đã được công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Một câu chuyện nữa thật cảm động, khi con đường được mở xuyên rừng, vượt núi đến huyện Mường Nhé (Điện Biên), một cụ bà người dân tộc Hà Nhì đã khóc và nói “tôi chết cũng yên lòng”, ngoài 90 tuổi, cụ mới nhìn thấy một “con trâu sắt” đó là một chiếc máy ủi.
Với những địa bàn khó khăn miền núi Đông Bắc, Tây Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đầu tư cho giao thông, thủy lợi, y tế, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Tuy nhiên, kết quả đạt được đã tương xứng với nguồn lực đầu tư chưa? Hiện đang thiếu nguồn lực rất lớn, lãng phí thất thoát đã xảy ra, nhưng chưa lượng hóa được, và chưa làm rõ trách nhiệm thuộc về ai? ...
Qua Báo cáo, bất kỳ ĐB nào cũng thấy sự lãng phí xảy ra ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư. Kế hoạch thiếu khả thi, mục tiêu đầu tư quá lớn, vượt xa khả năng cân đối vốn, mục tiêu chưa hoàn thành đã mở rộng thêm mục tiêu khác.
Chỉ riêng giai đoạn 2006 - 2012 cả nước còn 800 dự án dang dở, nguyên nhân chính là thiếu vốn. Trong khi đó, tính minh bạch trong đấu thầu chưa cao, giải ngân chậm gây lãng phí và phải trả lãi cho nguồn vốn TPCP...
Có lẽ không ai không cảm thấy xót xa khi con số lãng phí, thất thoát luôn là đơn vị tỷ đồng và nhiều tỷ đồng mà thực chất đây cũng chính là tiền thuế của dân, do dân đóng góp.
Báo cáo giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm bộ, ngành, địa phương để xảy ra nhiều sai sót, lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn trong giai đoạn vừa qua, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Là thành viên Đoàn giám sát, tôi đề nghị, nên có lời xin lỗi đối với dân về tất cả những thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn TPCP trong giai đoạn vừa qua.
Trần Thị Dung
ĐBQH tỉnh Điện Biên, thành viên Đoàn giám sát