Tuyến tàu Novi Sad ở Novi Sad, Serbia là một trong những dự án chủ lực của Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai và Con đường. (Ảnh: Xinhua) |
Một thập kỷ trước, khi châu Âu vẫn đang vật lộn để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lời hứa tài trợ cơ sở hạ tầng từ các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc không khác gì món quà trời cho.
Giờ đây, khi cuộc xung đột lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, và phương Tây lo ngại sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Nga, các nước NATO coi những khoản đầu tư từ Trung Quốc là gánh nặng, vì thế đã bắt đầu bàn cách để lấy lại một số dự án.
Theo một quan chức Mỹ, lo ngại của họ là Bắc Kinh có thể sử dụng những cơ sở hạ tầng mà họ sở hữu ở châu Âu để hỗ trợ vật chất cho Nga nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine mở rộng. Các quan chức cho biết, mục tiêu của cuộc thảo luận trong NATO là phòng ngừa kịch bản đó cho bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào.
Những cuộc thảo luận như vậy cho thấy NATO ngày càng tập trung vào Trung Quốc.
Tuyên bố chung được 32 nhà lãnh đạo đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington chỉ trích mạnh mẽ sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Mátxcơva. Điều này cho thấy lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc sau khi một tài liệu tương tự bị loại bỏ trong hội nghị của NATO năm 2023.
Theo ba quan chức, các cuộc thảo luận về hành động liên quan đến cơ sở hạ tầng vẫn đang ở giai đoạn đầu và có sự tham gia ở mức độ khác nhau từ các nước thành viên NATO.
Một nhà ngoại giao NATO đề nghị Mỹ thúc đẩy thảo luận song phương để đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết.
Từ các tuyến đường sắt nối Đông Âu với Trung Quốc đến các cảng ở Biển Bắc và Biển Baltic, Trung Quốc đã tài trợ hàng chục tỷ USD phát triển hạ tầng theo sáng kiến Vành đai và Con đường mà một số quốc gia châu Âu tham gia từ năm 2013.
Một quan chức NATO cho biết, nếu chiến tranh nổ ra, những cơ sở hạ tầng như vậy “gần như chắc chắn sẽ bị quốc hữu hóa hoặc các quốc gia sẽ tạm thời nắm quyền kiểm soát bằng biện pháp an ninh khẩn cấp”.
Theo các quan chức Mỹ, tiền lệ của việc tiếp quản như vậy là các quốc gia châu Âu buộc Nga phải bán tài sản ở nước của họ sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra năm 2022.
Trong hơn 1 năm, Phần Lan liên tục chặn hoạt động kinh doanh của Helsinki Shipyard, hãng chế tạo tàu phá băng từng thuộc sở hữu của công ty Nga, cho đến khi Nga bán công ty này cho công ty có trụ sở tại Canada vào cuối năm 2023.
Ngày 9/7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng cuộc xung đột Ukraine có thể là lý do khiến các quốc gia châu Âu và châu Á nhận thức rõ hơn về mối ràng buộc an ninh của họ với nhau.
“Có lẽ điều này đã được kết tinh ở Ukraine, khi Thủ tướng Kishida của Nhật Bản nói rằng những gì đang xảy ra ở châu Âu hôm nay có thể sẽ xảy ra ở Đông Á vào ngày mai”, ông Blinken nói tại diễn đàn NATO.