Tháng trước, nhóm tin tặc AnonSec công bố dữ liệu với dung lượng hơn 276GB mà nhóm này tuyên bố đã tải được từ các hệ thống mạng nội bộ của NASA, một phần của hệ thống có tên gọi “OpNasaDrone”. Dữ liệu trên bao gồm các thông tin về tên, địa chỉ email và các số điện thoại của 2.414 nhân viên NASA cũng như hàng ngàn video theo dõi lộ trình các chuyến bay của cơ quan này.
Đáng chú ý, dữ liệu còn bao gồm các lộ trình bay của các máy bay không người lái Global Hawk được lên kế hoạch từ trước. Bằng việc điều chỉnh các lộ trình bay, nhóm tin tặc AnonSec tuyên bố có thể tái lập trình một trong các máy bay không người lái (UAV) trước khi nó lao xuống Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, lộ trình của máy bay Global Hawk đã được điều chỉnh vào phút chót khi các chuyên gia kỹ thuật của NASA phát hiện sự thay đổi trên.
Tổng thanh tra NASA Paul K. Martin thừa nhận trước Quốc hội Mỹ rằng đây không phải là lần đầu tiên NASA bị tin tặc xâm nhập tấn công. Trước đó vào năm 2012, NASA đã mất quyền kiểm soát đối với 48 máy tính và một trong số máy tính trên có chứa thuật toán dùng để điều khiển trạm vũ trụ quốc tế.
Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến NASA để bác tuyên bố của nhóm tin tặc AnonSec. Trước hết, NASA khẳng định điều này không thể xảy ra vì thông tin kiểu này do nhóm AnonSec sử dụng có tràn lan khắp trên mạng.
“Giành quyền kiểm soát máy bay không người lái Global Hawk của chúng tôi là không dễ xảy ra. NASA không tìm thấy bằng chứng chứng minh các dữ liệu của NASA bị nhóm tin tặc đánh cắp, ngoài những dữ liệu chúng sử dụng có sẵn trên mạng. NASA đã rất chú trọng đến vấn đề an ninh mạng và sẽ nghiên cứu tất cả các cáo buộc trên”, NASA cho biết trong một tuyên bố được đăng tải trên tạp chí khoa học thường thức Popular Science.
Tuy nhiên, động cơ của nhóm tin tặc AnonSec ra các tuyên bố trên cũng khiến gia tăng các hoài nghi về NASA.