Ngay tháng 1, Đông Nam bộ đã đón những đợt nắng nóng đầu tiên. Trong tháng 2 và 3, khu vực này chịu nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Bắc Trung bộ cũng đón đợt nắng nóng gay gắt ngay đầu tháng 3 với nhiều kỷ lục về nhiệt độ.
Nhiều kỷ lục
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong tháng 3, Đông Nam bộ liên tục xảy ra nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ. Ngày 26- 27/3, nắng nóng xuất hiện diện rộng, lan sang cả khu vực miền Tây Nam bộ. Nhiệt độ ghi nhận tại Phước Long (Bình Phước) ngày 26/3 là 38,8 độ, vượt qua kỷ lục nhiệt độ tháng 3 được thiết lập vào 26 năm trước.
Nhiệt độ ngày 11/3 tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) là 38 độ, vượt qua kỷ lục thiết lập vào năm 2020. Nhiều nơi khác ở Nam bộ cũng ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong tháng 3 như Thổ Chu (Kiên Giang), Vĩnh Long, Trị An (Đồng Nai).
Không khí lạnh hoạt động yếu dần
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong tháng 4, không khí lạnh vẫn tiếp tục hoạt động nhưng hầu hết có cường độ yếu. Các đợt không khí lạnh cuối mùa thường ít gây rét đậm, trời chỉ se lạnh, nền nhiệt giảm nhẹ. Tuy nhiên, mưa dông diện rộng có thể xuất hiện ở các tỉnh miền Bắc trong những đợt không khí lạnh tràn về, cục bộ có thể xuất hiện mưa to đến rất to. Trong mưa dông có nguy cơ cao xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Tại Tây Bắc Bắc bộ và chảo lửa Bắc Trung bộ trong tháng 3 cũng xuất hiện nắng nóng cục bộ dù chỉ vừa qua thời kỳ chính Đông (tháng 2) với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 38 độ, riêng ngày 5/3, khu vực Bắc và Trung Trung bộ có nắng nóng diện rộng.
Nhiệt độ đo tại thành phố Hà Tĩnh ngày 5/3 là 39,4 độ, vượt qua kỷ lục năm 2023. Nhiệt độ ngày 25/3 tại Yên Châu (Sơn La) là 39,2 độ, vượt qua kỷ lục năm 2015.
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, tháng 3, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ, một số nơi ở Tây Bắc Bắc bộ và Tây Nguyên cao hơn tới 2 độ.
Mùa hè năm 2024 ở miền Bắc, miền Trung được nhận định rất gay gắt. Ảnh: Như Ý |
Tháng 4 vừa bắt đầu, các tỉnh miền Bắc, Bắc và Trung Trung bộ bước vào đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên của mùa hè năm nay do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây.
Tuy nắng nóng đầu mùa nhưng cường độ ở mức gay gắt đến đặc biệt gay gắt. Nhiều nơi đã ghi nhận mức nhiệt trên 40 độ như Phù Yên (Sơn La) 41.6 độ, Vinh (Nghệ An) 40,2 độ, Hà Tĩnh 40,5 độ, Ba Đồn (Quảng Bình) 40.2 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 40,2 độ.
Khu vực Đông Bắc Bộ, gồm Hà Nội cũng ghi nhận nắng nóng 35-36 độ. Đợt nắng nóng này được dự báo còn kéo dài ở Đông Bắc bộ đến khoảng 4/4, ở Tây Bắc bộ và Bắc Trung bộ đến 5-6/4, với cường độ ở mức gay gắt và đặc biệt gay gắt, riêng Nam Bộ, nắng nóng còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Cao điểm tháng 6 - 7
Theo các chuyên gia, năm 2024, tình hình thời tiết sẽ rất dị thường và khó đoán do nửa đầu năm, hiện tượng El Nino vẫn chi phối thời tiết nhưng nửa cuối năm đã chuyển sang pha La Nina với xác suất 55-65%.
Sau năm 2023 nóng thứ 2 trong lịch sử, năm 2024 được dự báo tiếp tục nắng nóng gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh điểm nắng nóng ở Tây Bắc bộ tập trung từ tháng 5-6, ở Đông Bắc bộ từ tháng 6-7, riêng tại Bắc Trung Bộ, nắng nóng tập trung từ tháng 4-8, đỉnh điểm là tháng 6-7. Thời kỳ này, nắng nóng đặc biệt gay gắt có thể xuất hiện thường xuyên và kéo dài.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, nhiệt độ trung bình trên cả nước trong tháng 4 - 5 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ. Tháng 6 cao hơn từ 0,5-1,5 độ, tháng 7-9 cao hơn từ 0,5-1 độ.
Riêng tại khu vực Nam bộ, Tây Nguyên, mùa mưa năm nay được nhận định đến muộn hơn trung bình nhiều năm (khoảng giữa tháng 5). Vì vậy, nắng nóng và khô hạn ở khu vực này còn tiếp diễn trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, miền Trung có khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ tháng 4-6. Trong tháng 7-8, khô hạn cục bộ có khả năng xảy ra tại các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung bộ, đặc biệt tại những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi.