Nặng gánh nợ nần

Nặng gánh nợ nần
TP - Nắm một nguồn vốn lớn của Chính phủ và được coi là xương sống của nền kinh tế nhưng những bất cập trong việc quản lý, việc đầu tư ngoài ngành tràn lan, không hiệu quả khiến nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ.

> Kinh tế Hà Nội cuối năm: Tiềm ẩn nhiều thách thức

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm 2011 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương dự thảo, cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa về “tình hình sức khỏe” của những đầu tàu kinh tế đất nước.

Trong số các đơn vị hoàn thành kế hoạch và có mức tăng trưởng cao chỉ có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Cty Cà phê, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và khối các ngân hàng thương mại với mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt từ 15%-20%.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nắm giữ, cung cấp các mặt hàng thiết yếu đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư và phải đối mặt với những khoản lỗ rất lớn. Như với ngành điện, lũy kế lỗ tính đến 30-6-2011 là 31.565 tỷ đồng, trong đó năm 2010 lỗ 23.647 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm nay lỗ 7.918 tỷ đồng.

Đại gia trong ngành như Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) trong 6 tháng năm 2011 lỗ 660 tỷ đồng, chưa tính khoản nợ từ Vinashin chuyển sang là 16.000 tỷ đồng. Được coi là doanh nghiệp chủ lực trong ngành xăng dầu nhưng Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong 7 tháng năm 2011 cũng lỗ 1.449 tỷ đồng; Tập đoàn Sông Đà thiếu vốn do chưa được chủ đầu tư thanh toán công nợ lên đến 5.500 tỷ đồng.

Thống kê của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho thấy, có 21/31 doanh nghiệp, ngân hàng có đầu tư ra ngoài ngành với tổng vốn đầu tư hơn 22.590 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp cao su đầu tư ngoài ngành 3.700 tỷ đồng. Được cảnh báo về mức độ rủi ro nhưng EVN vẫn đầu tư tới 2.100 tỷ đồng ra ngoài ngành. Đầu tư ngoài ngành nhiều nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, với tổng số vốn hơn 10.700 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, đỡ đau nhất, cũng là để giảm thiểu thiệt hại lớn nhất đối với nhà nước, thì không còn cách nào khác, phải quyết liệt thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.