Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sau hơn nửa thế kỷ rời Hà Nội về Hải Phòng sinh sống mang theo vợ người Hà Nội, có tỏ ra ân hận bởi dù rất yêu thành phố hoa phượng đỏ “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”, ông Tấn cho rằng “Thủ đô bao giờ cũng là thủ đô dù có thế nào chăng nữa”. Cho đến giờ này ông sống, một người Hà Nội gốc như ông thấy Hà Nội có gì xứng và chưa xứng tầm?
Hà Nội đã trải qua những thời kỳ mà nhìn lại, ta thấy mừng vì nó nhiều thay đổi, đồng thời cũng ngậm ngùi vì nó mất đi dáng vẻ làm nên đặc trưng của đất kinh kỳ.
Năm 54, giải phóng Thủ đô, chế độ ta muốn đưa người lao động- chủ yếu là công nhân, nông dân lên vị trí cao nhất trong xã hội, cho nên đã bưng theo tác phong sinh hoạt, lối sống của người thợ thành biểu tượng để giới tiểu tư sản học tập. Trong cái nhìn như vậy thì nảy sinh nhiều sự máy móc. Sự tinh tế lịch thiệp của kinh kỳ- mảnh đất giao thiệp được với tất cả các vùng đất nước, bị gạt bỏ. Cuộc sống, giao tiếp từ đây thô mộc, trần trụi, chân thật nhưng thiếu cái nghi thức, nghi lễ, vẻ đẹp.
Từ khi đổi mới, năm 1990, kinh tế khá lên, chúng ta phục hồi lại nhà cửa đẹp, đường phố đẹp... Dần lấy lại, đề cao phép lịch sự, tinh tế, vẻ đẹp tâm hồn dù chưa được như kỳ vọng.
Nói về chuyện tự làm mất. Có một nhà văn nhận xét: Hà Nội đẹp đến nỗi người ta phá đến thế mà nó vẫn đẹp. Liệu có cực đoan?Và ông nghĩ gì về lời chúc “Người Hà Nội ngày càng giàu có và thanh lịch” của nhà văn Nguyễn Đình Lễ con trai Nguyễn Đình Thi?
Nhà văn đó có lẽ quá bực bội và nhìn nhận thiên kiến việc một số vẻ đẹp của thành phố, của kiến trúc, đường sá, hồ, cây cối... đã không còn như xưa. Tiếc những cái đó là chính đáng. Tuy nhiên công bằng mà nói, Hà Nội giờ đẹp lên nhiều dù chịu sự tác động tiêu cực của một số người đã làm mai một nhiều dấu tích Hà Nội xưa.
Hai chục năm thành phố mở mang đẹp hẳn, ngang tầm các nước trong khu vực, có nơi không thua châu Âu, ví dụ Royal City, Times City.
Mong Hà Nội giàu có, thanh lịch là mong cái sự phong phú về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Tôi nghĩ đấy là hai vế rất xứng đáng. Hà Nội là nơi hội tụ, nâng cao, lan tỏa cái hay của mọi miền. Bản thân tôi cũng muốn chúc Hà Nội của chúng ta nâng cấp được cách sống, lối sống của dân tộc mình, biến thủ đô thành nơi chưng cất tinh hoa rồi lan tỏa ra cả nước.
“Thường người ta đánh giá đời sống của một thành phố qua mấy thứ sau: Văn vật tức là vật chất, tiện nghi trong sinh hoạt. Và văn cách- cách xử sự của con người với nhau. Rồi dáng vẻ, tác phong... Hà Nội đã tự làm mất rất nhiều vẻ đẹp của mình. Từ năm 54 mình cứ giản dị dần, những lời thưa gửi bỏ bớt cho ngắn gọn, không còn chất thanh lịch của đất kinh kỳ”.-Nhà thơ Vũ Quần Phương.