Dự án có tổng chiều dài khoảng 29km, điểm đầu tại Km 182+300 (vị trí nút giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 Hà Nội) điểm cuối tại Km211+256. Tuyến đường được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/giờ.
Trong đó, giai đoạn 1 đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25m (đã hoàn thành). Giai đoạn 2 sẽ mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe, bề rộng nền đường 33,5m. Đồng thời, xây dựng đường gom song hành hai bên (dự kiến hoàn thành vào quý II năm 2018).
Dự án được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do Cty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ làm chủ đầu tư. Công ty được thành lập bởi liên danh: Cty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 và Cty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành.
Trạm thu phí gần trung tâm Hà Nội đặt ở km 188+300 được thiết kế có tới 18 làn thu phí để tránh ùn tắc. Kiến trúc được chú trọng để trở thành điểm nhấn trước khi vào nội đô. Khác với hình thức thu phí dạng hở trên quốc lộ, tuyến cao tốc này thu phí kín, tính theo km, theo loại phương tiện (1,5 nghìn đồng/km đối với loại xe dưới 9 chỗ ngồi). Dù dọc tuyến có nhiều trạm thu phí (ở các nút giao ra vào cao tốc) nhưng người đi đường chỉ phải trả phí đúng theo quãng đường đã đi
Tại trạm thu phí này, nhiều chậu hoa, cây cảnh lớn cũng được trưng bày tạo cảm giác thoải mái cho khách và môi trường làm việc trong lành cho nhân viên.
Nhân viên thu phí đã được chọn lựa, đào tạo kỹ năng làm việc, văn hóa phục vụ. Phần lớn các nhân viên thu phí là nữ. Mỗi ca bin thu phí đều dán các biểu ngữ tuyên truyền về phong trào “Bốn xin, bốn luôn” của Bộ GTVT
Trên tuyến luôn có các xe cứu hộ, xe quét, rửa đường túc trực để phục vụ khi cần thiết.
Ngoài độ êm thuận của mặt đường mới, các điểm có độ dốc lên xuống của nền đường cũ đã được xử lý tạo độ bằng phẳng giúp tốc độ phương tiện lưu thông cao.