Nâng cao 'tuổi thọ' của luật!

TP - Một trong những trọng tâm của kỳ họp thứ 7 (khai mạc sáng nay, 20/5), Quốc hội khóa XIV lần này là công tác lập pháp. 

Theo đó, ngoài việc cho ý kiến lần đầu vào 9 dự án luật, Quốc hội sẽ xem xét thông qua đối với 7 dự án luật, 2 nghị quyết, trong đó có những dự luật được cử tri đặc biệt quan tâm như: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công…

Nhìn lại công tác lập pháp thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực cũng còn có nhiều hạn chế. Tình trạng “trình ra rồi lại rút về”, luật vừa ban hành đã phải sửa không còn là chuyện hiếm. Một số luật sau khi ban hành “tuổi thọ” quá ngắn, thậm chí gây ách tắc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Điển hình như Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công.

Thực tế, Luật Quy hoạch, ngay khi đưa ra thảo luận tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đã gây ra nhiều quan điểm trái chiều, không khí “căng thẳng” giữa các bộ, cũng như giữa các đại biểu. Khi đó, đã có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại việc thiếu tính thực tiễn, thiếu khả thi… nhưng rồi vẫn được thông qua.

Tuy nhiên, khi luật chính thức có hiệu lực (1/1/2019) lập tức đã gây ra nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong cuộc làm việc mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã phải than rằng: “Một nhà máy điện khởi công muốn đầu tư cũng không được, một dự án của Bộ GTVT cũng không làm được vì không bổ sung được quy hoạch”. Báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ cho thấy, đến gần giữa tháng 4/2019, cả nước có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, có ít nhất 370 dự án và nhiều nhất là dự án năng lượng, công nghiệp không thể triển khai do không được bổ sung quy hoạch, chờ nghị định hướng dẫn. Vì thế, mới đây Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét có quy định chuyển tiếp thi hành Luật Quy hoạch.

Trước Luật Quy hoạch, một dự luật khác cũng đang phải sửa đổi và được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này là Luật Đầu tư công. Dự án luật này được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã gây ra nhiều vướng mắc về thủ tục, trình tự, dẫn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công hết sức chậm trễ. Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phải than rằng: “Luật Đầu tư công quy định quá nhiều thủ tục, nhiều quy trình, nhiều khâu, nhiều công đoạn… Thành thử, trong 2 năm, khi mà tư nhân đã xây xong sân bay thì cơ quan nhà nước vẫn đang trong quá trình “đấu thầu, chuẩn bị khởi công””.

Một hệ thống pháp luật ổn định, có “tuổi thọ” cao như một ngôi nhà có nền móng vững chắc. Hệ thống đó không chỉ tạo ra hành lang để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý an tâm hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ mà còn góp phần ngăn ngừa, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Ngược lại một hệ thống pháp luật thiếu ổn định, bất hợp lý, không chỉ cản trở sự phát triển mà còn có nguy cơ bị lợi dụng, “lách luật” nhằm trục lợi. Do đó, việc lắng nghe hơi thở cuộc sống, lắng nghe dư luận xã hội, “thảo luận đến cùng” để nâng cao “tuổi thọ” của luật là yêu cầu quan trọng mà kỳ họp Quốc hội lần này cần được quan tâm đặc biệt.             

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.