Ông Phạm Việt Dũng báo cáo đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoạt động của VATM.
Công nghệ tương đương quốc gia phát triển
Liên tục trong gần 20 năm qua, VATM đảm bảo an toàn cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Năm 2016, VATM đạt 81% các nội dung yêu cầu của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), trên 3 cấp độ: Chủ trương chính sách - Quy trình quy định - Tổ chức thực hiện. Tháng 5/2017, tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (CANSO) đánh giá hệ thống quản lý an toàn của VATM đạt mức 3/5 - tương đương với các quốc gia có hệ thống an toàn phát triển trên thế giới.
Nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không bình quân 10%/năm, trong nhiều năm qua, VATM đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng năng lực quản lý điều hành bay và tổ chức lại vùng trời. Các thay đổi tiêu biểu như: Đưa vào khai thác hệ thống đường bay song song một chiều trục Bắc - Nam, đường bay được đánh giá có tần suất đông đúc và nhộn nhịp đứng thứ 7 trên thế giới; chuyển đổi các phương thức cất/hạ cánh áp dụng tính năng tiên tiến RNAV1 tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh từ đó góp phần giảm thời gian bay chờ, áp lực công việc cho kiểm soát viên không lưu, giảm lượng khí thải phát ra môi trường. Dự kiến đến năm 2020 VATM sẽ triển khai phương thức điều hành bay mới trên tất cả các sân bay trong cả nước.
Đối với việc tổ chức lại vùng trời, VATM thực hiện phân chia lại vùng trời tiếp cận tại các phân khu của 3 sân bay lớn trong nước: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng. VATM triển khai dự Hợp tác Quản lý không lưu tại Việt Nam với Công ty NAVBLUE nhằm tăng năng lực, hiệu quả vùng trời các sân bay, tổ chức triển khai kế hoạch khai thác thử nghiệm ATFM phân phối đa điểm nút giữa Việt Nam và Singapore, sắp tới là với Thái Lan.
Tại Hội nghị CANSO toàn cầu do VATM đăng cai tổ chức tháng 5/2017, ông Jeff Poole, Tổng Giám đốc CANSO toàn cầu đánh giá: Khu vực châu Á Thái Bình Dương có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, trong đó Việt Nam là một ví dụ điển hình. Thống kê đưa ra tại hội nghị cho thấy, tốc độ tăng trưởng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam đạt 2 con số, riêng năm 2016 tăng đến 29%, đưa lượng khách di chuyển bằng đường hàng không trong năm này lên 52 triệu lượt. Điều đó tiếp tục đặt ra cơ hội lẫn thách thức đối với VATM. Trong cuộc làm việc giữa các doanh nghiệp hàng không với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ giữa tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm vấn đề an ninh, an toàn hàng không.
Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đó, Quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên VATM Phạm Việt Dũng cho hay, Tổng công ty đã và đang thực hiện các biện pháp để đối diện với việc tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động bay. “Trong hội nghị CANSO, một số thành viên dự hội nghị đã đến thăm cơ sở điều hành bay của chúng tôi ở Hà Nội. Họ đánh giá cao cơ sở vật chất, công nghệ và cả con người của chúng ta. Minh chứng là Singapore hiện cũng đã thuê dịch vụ của chúng tôi” – ông Dũng nói.
Ngoài đổi mới khoa học công nghệ, VATM cũng thực hiện nghiêm các quy định nghiệp vụ, xu thế trong quản lý con người trong hoạt động an toàn. “Việc xử lý, phạt nặng khi sự cố không lưu xảy ra không được các tổ chức hàng không quốc tế khuyến cáo sử dụng. Khi phạt nặng, bản năng con người sẽ chối tội, giấu lỗi. Nếu lỗi bị giấu đi, lần sau sẽ tái diễn, người khác sẽ mắc phải và hậu quả sẽ rất lớn. Vì vậy, các tổ chức hàng không quốc tế đều khuyến cáo, việc xử lý trách nhiệm có mức độ, quan trọng là tìm ra kẽ hở để khắc phục, phòng ngừa” – ông Dũng nói.
Tối ưu hoá mô hình để tiếp tục tăng trưởng
Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2016, sản lượng điều hành bay của VATM đạt 733.999 lần chuyến, đạt 106,21% kế hoạch, tăng 14,5 % so với năm 2015. Tổng doanh thu năm 2016 đạt 2.935 tỷ đồng, tăng 31,2 % so với năm 2015. Nộp ngân sách Nhà nước năm 2016 của VATM đạt 2.205 tỷ đồng, bằng 112,83% kế hoạch.
Riêng 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng điều hành bay đã đạt 395.129 lần chuyến, đạt 51,26% kế hoạch, tăng 9,18 % so với cùng kỳ năm 2016. Tổng doanh thu đạt 1.613 tỷ đồng, bằng 52,43% kế hoạch năm, tăng 58,45% so với cùng kỳ năm 2016. Nộp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 1.163 tỷ đồng, bằng 153,73% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện VATM đang thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, VATM đã thực hiện kiện toàn lại các đơn vị tham mưu giúp việc. Trong đó, VATM đã quyết liệt trong việc hoàn tất các thủ tục chấm dứt hoạt động của Trung tâm dịch vụ thương mại quản lý bay do hoạt động không hiệu quả và không thuộc lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chính của Tổng công ty.
Tổng công ty không thuộc diện phải cổ phần hoá. Với công ty con đang thực hiện các dịch vụ như dẫn đường, giám sát ADS-B, dịch vụ thoại không địa VHF…, VATM sẽ sắp xếp, đổi mới nhằm tăng cường chuyên môn hoá và thực hiện cổ phần hoá sau năm 2020.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, ông Phạm Việt Dũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế sử dụng vùng trời linh hoạt giữa hàng không dân dụng và quân sự để hỗ trợ phát triển hàng không dân dụng, tăng hiệu quả kinh tế và giảm tải trên các đường hàng không hiện nay. Quyền Chủ tịch VATM cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt triển khai dự án Sân bay Long Thành để giảm tải cho Tân Sơn Nhất.
Với cơ sở điều hành bay tại Cảng Hàng không Vân Đồn – Quảng Ninh (được đầu tư bằng vốn của nhà đầu tư BOT) và Cảng Hàng không Cát Bi (được đầu tư bằng ngân sách TP Hải Phòng), lãnh đạo VATM đề nghị chuyển giao tài sản của nhà đầu tư, ghi tăng vốn cho VATM vì VATM là đơn vị duy nhất có chức năng cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Điều này sẽ giúp VATM đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cung cấp dịch vụ.
Từ ngày 1/1/2016 tới ngày 10/8/2017, Chính phủ, Thủ tướng giao cho VATM 31 nhiệm vụ, trong đó Tổng công ty hoàn thành 30 nhiệm vụ, có 1 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng đang trong thời hạn.