Nam sinh chế 'cánh tay robot' sang Mỹ dự thi quốc tế

Phạm Huy với tác phẩm "Cánh tay robot"
Phạm Huy với tác phẩm "Cánh tay robot"
TPO - Phạm Huy - nam sinh lớp 11 chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật, đã được cấp visa và tối nay lên đường sang Mỹ dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017).

Chiều 13/5, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, Lê Thị Hương cho biết: “Em Phạm Huy vừa được Mỹ đồng ý cấp sisa vào trưa nay. 22h50 hôm nay, Huy sẽ bay qua Hàn Quốc rồi tiếp tục đến Mỹ để kịp dự kỳ thi quốc tế vào ngày 15/5”.

Phạm Huy là học sinh lớp 11A2 chuyên Hóa, trường THPT thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) đạt giải quán quân của Hội thi Khoa học-Kỹ thuật cấp quốc gia của học sinh trung học khu vực phía Bắc năm học 2016-2017 (ViSEF) với sản phẩm "Cánh tay robot cho người khuyết tật".

Niềm vui vỡ òa

Tháng 4 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định cử 2 thành viên tại Quảng Trị là em Phạm Huy và giáo viên hướng dẫn Lê Công Long tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế do Intel tổ chức (Intel ISEF 2017) từ ngày 12 đến 22/5 tại Mỹ. Tuy nhiên, qua 2 lần phỏng vấn trước đó, Huy đều bị Đại sứ quán Mỹ từ chối cấp visa.

Nam sinh chế 'cánh tay robot' sang Mỹ dự thi quốc tế ảnh 1

Nam sinh Pham Huy và thầy giáo hướng dẫn Lê Công Long.

Nhưng vào 13h30 ngày 12/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị nhận được điện thoại của một nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại TP.HCM thông báo sẽ phỏng vấn lần 3 vào lúc 10h ngày 13/5 để cấp visa cho Phạm Huy.

10h15 ngày 13/5, Phạm Huy bước vào cuộc phỏng vấn lần 3 tại Đại sứ quán Mỹ nhằm xin cấp visa dự cuộc thi Intel ISEF 2017. Sau khoảng 10 phút trả lời câu hỏi về nhân thân, gia đình, mục đích đến Mỹ cùng dự án Cánh tay robot cho người khuyết tật, Huy được Đại sứ quán Mỹ đồng ý cấp visa và một tiếng sau thì nhận visa.

Ông Phạm Xuân Đính-cha của Phạm Huy cho biết: “Hôm nay là thứ Bảy, ngày nghỉ cuối tuần song Đại sứ quán Mỹ vẫn làm việc, chỉ để cấp visa cho con tôi kịp đi Mỹ dự thi. 22h ngày 13/5, cháu sẽ lên máy bay đi Mỹ. Trước đó, tối 12/5, hai cha con tôi đáp xe khách ra Hà Nội phỏng vấn lần 3 theo thông báo từ Đại sứ quán Mỹ. Tới Hà Nội, cha con tôi được Hội đồng hương Quảng Trị tại thủ đô đón và đưa tới Đại sứ quán Mỹ phỏng vấn.”, ông Đính kể.

Cô Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho hay, Huy sẽ đến Mỹ sau đoàn dự thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo 1 ngày. Song theo kế hoạch, Bộ sẽ cử người ở lại sân bay tại Mỹ để đón em. “Chúng tôi kỳ vọng Phạm Huy sẽ có mặt tại Mỹ và thực hiện tốt phần thi của mình", cô Hương nói.

Tác phẩm có ý nghĩa nhân văn

Tác phẩm "Cánh tay robot cho người khuyết tật" của Huy đồng hạng nhất trong 5 tác phẩm sáng tạo KH-KT cho học sinh Trung học toàn quốc năm 2016-2017, là 1/8 đề tài được chọn đi dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) do Intel tổ chức tại Mỹ.

Theo Trưởng Ban giám khảo, PGS.TS Nghiêm Ngọc Minh-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hệ gen (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cuộc thi ISEF đánh giá: "Sản phẩm Cánh tay robot của Huy đã được cải tiến nhiều, có thể xoay được, cánh tay có thể cử động vuông góc, ngón tay nắm được mọi vật có lực tới hơn 10kg".

“Huy còn thử nghiệm sáng chế của mình cho những người thương binh ở địa phương trước khi quyết định dự thi. Chúng tôi cho rằng đây là sản phẩm mang ý nghĩa xã hội và cả ý nghĩa nhân văn rất lớn”.

Nam sinh chế 'cánh tay robot' sang Mỹ dự thi quốc tế ảnh 2

Tác phẩm “Cánh tay robot” của Phạm Huy

Thầy giáo Lê Công Long, giáo viên hướng dẫn của Phạm Huy cho biết, sản phẩm "Cánh tay robot" đã được các chuyên gia thuộc các Viện nghiên cứu về các mảng cơ khí, tự động hóa, hệ thống nhúng, nhiệt... đánh giá và cho kết quả cao. Sản phẩm của Huy được làm ra với 3 triệu đồng. Trên thị trường các sản phẩm cùng giá chỉ dừng lại ở cánh tay bằng gỗ hoặc nhựa mà không có mạch điện kết hợp. Những sản phẩm hiện đại điều khiển bằng sóng não thì cơ chế vận hành khá phức tạp song giá thành cực đắt, và không có sản phẩm nào dưới 100.000 USD.

Huy là con út trong một gia đình tại xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), có mẹ bán vải ngoài chợ thị xã, cha thì mở tiệm sửa xe máy, xe đạp tại nhà. Ở xa trung tâm, Huy phải đạp xe mấy cây số để đến trường. Nhưng suốt 11 năm qua, cậu học trò làng này luôn đoạt danh hiệu học sinh giỏi. Bằng đam mê sáng tạo và sự cảm thông đối với những người khuyết tật, những nạn nhân bom mìn ở quê mình, Huy đã sáng chế ra "Cánh tay robot cho người khuyết tật".
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.