Ông Russ Koesterich, nhà chiến lược đầu tư toàn cầu của BlackRock - hãng quản lý tài sản lớn nhất thế giới, hôm qua nhận định, đồng USD rất có thể sẽ tăng mạnh so với đồng euro và đồng yen trong năm tới. “Chúng tôi tin rằng FED sẽ tăng từ từ theo chu kỳ thắt chặt tiền tệ của họ”, báo Anh The Telegraph dẫn nhận định của ông Koesterich sau khi FED nâng lãi suất cơ bản hôm 16/12 (giờ Mỹ), sau gần một thập kỷ giữ ở mức 0%.
Các chuyên gia của ngân hàng Standard Chartered đưa ra dự báo tương tự. “Chúng tôi mong đợi một lần tăng nữa vào tháng 3/2016. Chúng tôi cho rằng, sau lần tăng vào tháng 3, bước đi tiếp theo của FED là giảm lãi suất, và chúng ta sẽ chứng kiến điều đó vào tháng 12/2016”, Standard Chartered nhận định.
Theo nhiều chuyên gia, nếu các nước tăng lãi suất theo Mỹ sẽ gây nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng, gây nguy cơ chảy vốn, làm gánh nợ thêm nặng. Tuy nhiên, hãng tư vấn kinh tế Capital Economics cho rằng, các nền kinh tế châu Á không dễ bị tổn thương như trước đây nhờ niềm tin môi trường kinh tế ở châu Á sẽ tốt hơn trong năm sau.
Chỉ vài giờ sau quyết định của FED, ngân hàng trung ương Philippines và Đài Loan đã xem lại chính sách tiền tệ của họ. Ngân hàng trung ương Philippines hôm qua vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức 4%, cho rằng lạm phát của họ vẫn sẽ nằm trong mức dự kiến trong 2 năm tới. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Đài Loan (CBC) gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát thị trường với việc hạ thấp lãi suất cơ bản từ 1,75% xuống 1,625%.
“Giảm lãi suất 1 ngày sau động thái của FED là bước đi táo bạo đối với CBC. Nhưng lượng thặng dư tài khoản vãng lai lớn và dự trữ ngoại hối dồi dào khiến Đài Loan phải hạn chế tác động lên thị trường tài chính từ bất kỳ thay đổi trong chính sách tiền tệ nào của Mỹ”, nhà kinh tế học Gareth Leather ở Capital Economics nhận định.
Theo nhà kinh tế học Leong Wai Ho ở hãng dịch vụ tài chính và ngân hàng Barclays, việc Đài Loan bất ngờ giảm lãi suất cho thấy “chương trình nới lỏng” sẽ là trọng tâm chính ở châu Á. “Điều đó là nhằm đảo ngược tác động của nguy cơ suy giảm thương mại toàn cầu mà châu Á ảnh hưởng nặng nề hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới”, Channel News Asia dẫn lời ông Leong.
Một động thái đáng chú ý khác ở châu Á là việc Cơ quan tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) tăng lãi suất cơ bản thông qua việc nâng cửa sổ chiết khấu qua đêm thêm 25 điểm phần trăm lên 0,75% từ sáng qua. Động thái này được cho là sẽ gây sức ép lên giá nhà đất ở Hong Kong nhưng là bước đi không thể tránh khỏi khi đồng tiền của đặc khu này neo vào đồng USD.
Ở những nơi khác của châu Á, các thị trường chứng khoán và tín dụng đều tăng sau quyết định của FED, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa đưa ra thay đổi nào. Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak ngày 17/12 nói với báo giới rằng, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ chỉ tác động nhỏ lên kinh tế của Đông Nam Á và ông cũng không lo ngại về nguy cơ chảy vốn.
Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari hôm qua nói rằng, các thị trường đang tiếp nhận việc tăng lãi suất một cách tích cực sau những lo ngại về tác động của nó lên các thị trường mới nổi. Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ kết thúc đợt họp về chính sách tài chính vào hôm nay, và dự kiến sẽ chưa đưa ra biện pháp kích thích nào, nhà kinh tế Izumi Devalier ở ngân hàng HSBC nhận định. Ông Devalier nhấn mạnh, số liệu gần đây cho thấy kinh tế Nhật Bản tránh được khủng hoảng kỹ thuật trong quý 3, củng cố quan điểm rằng, kinh tế nước này sẽ duy trì mức khôi phục vừa phải.
Kết thúc phiên giao dịch chiều qua, các thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc xanh. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải tăng 1,8% lên 3.579,99 điểm khi thị trường đóng cửa cuối ngày. Chỉ số Topix của Tokyo thêm 1,6% lên 1.564,71 điểm – mức tăng lớn nhất kể từ đầu tháng 10. Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tăng 1,7%, còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,9%, Reuters đưa tin.