Cách đây hai tháng, thông qua dự án nghệ thuật #Com( ) hợp tác giữa Six Space (Hà Nội) và Barim (Gwangju, Hàn Quốc), ban nhạc “Kim and Lee” lên kế hoạch đến Hà Nội biểu diễn và hát bằng tiếng Việt với nhóm nhạc nào đó tại đây.
Làm quen và tìm hiểu qua Facebook, “Kim and Lee” kết nối với nữ nghệ sĩ bass guitar Trang Chuối và ca sĩ nhạc thể nghiệm Linh Hà, hai bên tìm thấy sự đồng cảm trong phong cách âm nhạc của nhau và dự án “Chà Lan” được khởi động.
“Bầu trời thất nghiệp”
Cái tên “Chà Lan” khá gây thắc mắc. Mới đầu Chuối và Hà được ghép thử, đọc thành Chà Là, xong nghe bị “hoa quả” thế là đổi thành “Chà Lan” cho dễ đọc và nghĩa tù mù. Nghe tên này , mỗi người tự đoán nghĩa “là Chà vào lan can”, “nghe như tràn lan”, hay “chà một bông lan”.
Dự định hát bằng tiếng Việt của ba nghệ sĩ xứ Hàn tiêu tan khi đặt chân đến Hà Nội “hóa ra tiếng Việt quá quá khó”. Kế hoạch đổi thành bốn người sẽ chơi nhạc cho một mình Linh Hà hát. Năm bài hát ra mắt đều do guitarist Lee Seung Joon sáng tác. Nhạc sĩ dáng vẻ giống nhà thơ này hầu như không nói tiếng Anh. Lời bài hát được chuyển từ tiếng Hàn sang tiếng Anh, rồi từ Anh lại chuyển sang tiếng Việt.
Buổi tập đầu tiên cho bài hát đầu tiên “Bầu trời thất nghiệp” diễn ra suôn sẻ. Tiết tấu slow rock, trạng thái lúc lâng lâng lúc tưng tửng như một cuộc rong chơi giữa thế giới ồn ào, đó là tinh thần của “Chà Lan”. Trời hỏi - “Làm gì?” - “Chả làm gì”; Gió hỏi - “Làm gì?”- “ Chả làm gì”; Mây hỏi - “Làm gì?” - “Chả làm gì”... Ca sĩ Linh Hà lập tức thích lời bài hát và sự vẩn vơ bay bay của giai điệu.
Hỏi Trang Chuối: bạn đã từng chơi guitar cho “Gỗ lim”, đang chơi cho “MXM” với chất rock không hề nhẹ, không hề chậm thì rock “sến” của “Chà Lan” có làm khó bạn không? Trang thú nhận: tôi bị vấp liên tục. “Nhưng tôi rất thích sự thay đổi này”. Sự thú vị nằm ngay ở lúc cả nhóm loay hoay chuyển ngữ. Năm kẻ lãng đãng tỏ ra ăn ý khi tìm từ ngữ, hầu như chẳng bị khiên cưỡng kiểu “đo ni đóng giày” lời áp vào nhạc.
Thưởng thức nhau là chính
Lee Seung Joon chia sẻ, anh viết bài hát khi thất nghiệp nằm nhà, cả khu phố trống vắng mọi người đi làm hết. Bầu trời của người thất nghiệp gió cứ vi vu.
Cả năm nghệ sĩ của “Chà Lan” đều chơi nhạc tay ngang, làm nghề khác để nuôi đam mê. Trang Chuối kiếm sống bằng nghề dạy tiếng Anh, Hà Linh dạy tiếng Đức, tay trống Choi Haram dạy nhạc, guitarist Kim Tae Seung làm thiết kế và thi công xây dựng, nhạc sĩ guitarist Lee Seung Joon đang học nghề nông tại trang trại của cha mẹ. Thể loại âm nhạc họ chọn dành cho số ít khán giả và họ chơi nhạc để thỏa mãn bản thân là chính.
Trang Chuổi kể, khi nghe nhạc của Lee, cô tưởng tượng, anh ấy mặt đang nghếch vào không khí để “gió bơi qua”. “Nhạc sĩ viết là “bay” nhưng tôi đổi thành “bơi” và sướng kinh khủng”. Những người cùng trạng thái dễ thưởng thức được nhau. Dự án lần này họ tập năm bài và chỉ diễn có hai đêm nhưng “bao nhiêu suất diễn không quan trọng bằng trải nghiệm kết nối với ban nhạc mới ở địa phương mới lạ” .
Năm thành viên đều hy vọng sẽ chơi nhạc cùng nhau lâu dài.
Tay trống Haram hy vọng sang năm “Chà Lan” sang Hàn Quốc biểu diễn. Cả nhóm đồng lòng mong muốn được khán giả coi “Chà Lan” như một ban nhạc của VN và một trăm phần trăm hát tiếng Việt.