Năm nay hết cảnh bị cắt điện?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng để xảy ra thiếu điện năm ngoái là việc đáng tiếc. "Chúng tôi có cơ sở để tin tưởng năm 2024 sẽ không để lặp lại chuyện thiếu điện như năm ngoái. Hy vọng trong các năm tới cũng sẽ như vậy", ông Tân nói.

Chiều nay (29/3), tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Công Thương, nhiều vấn đề liên quan tới việc cung ứng điện và quyết định mới về điều chính giá điện được đưa ra.

Về đảm bảo cấp điện mùa khô năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, để xảy ra thiếu điện năm ngoái là việc đáng tiếc. Thủ tướng, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo về việc này. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương và EVN đảm bảo cung ứng, không để xảy ra thiếu điện. Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch cho đảm bảo điện trong tháng 4, 5, 6 và 7.

“Ngay cuối quý I này, Bộ sẽ có họp báo để công bố việc đảm bảo cung ứng điện trong các tháng mùa khô. Chúng tôi có cơ sở để tin tưởng năm 2024 sẽ không để lặp lại chuyện thiếu điện như năm ngoái. Hy vọng trong các năm tới cũng sẽ như vậy”, ông Tân nói.

Năm nay hết cảnh bị cắt điện? ảnh 1

Theo đại diện Bộ Công Thương, không có chuyện cứ 3 tháng được tăng giá điện một lần, việc tăng giá phải phụ thuộc kinh tế vĩ mô và có lộ trình.

Liên quan đến việc Quyết định 05 mới được ban hành cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống còn 3 tháng có thể khiến cho giá điện liên tục tăng, ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương - cho biết đây là quy định, không có nghĩa cứ 3 tháng giá điện sẽ được thay đổi một lần.

Theo ông Hữu, việc tăng giá điện hay không còn phụ thuộc kết quả đánh giá tác động với kinh tế vĩ mô cũng như kết quả cập nhập tính toán các yếu tố tác động đến giá điện đã đủ đến mức xem xét điều chỉnh hay chưa. Cùng đó, giá điện điều chỉnh phải theo lộ trình để giảm tác động với kinh tế vĩ mô và người dùng điện.

“Việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện nhằm đảm bảo chi phí trong giá điện không bị dồn tích quá nhiều, gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN. Việc điều chỉnh giá bán điện cũng giúp đưa giá điện cập nhật giá điện sát với diễn biến thị trường, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng quốc gia”, ông Hữu nhấn mạnh.

Cùng theo lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, để đảm bảo sự công bằng, trong Quyết định 25 và cả Quyết định 05 đều giữ vai trò của Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trong điều hành giá điện. Với vai trò Bộ quản lý ngành, Bộ Công Thương giữ vai trò rà soát, kiểm tra các chi phí của EVN trong việc tính toán giá điện cũng như trong tham mưu cho Thủ tướng về điều chỉnh giá điện.

“Hàng năm Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan có kiểm toán và công bố công khai chi phí giá điện đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp được giám sát”, ông Hữu nói.

Theo quyết định 05 vừa được Thủ tướng phê duyệt, trước ngày 25/1 hằng năm, EVN tính toán giá bán điện bình quân theo công thức quy định và báo cáo về Bộ Công Thương.

MỚI - NÓNG