Năm 2021 xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Sóc Trăng sáng 11/3, nhiều khó khăn, thách thức của ngành hàng tỷ đô này được nêu ra…

Ông Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (địa phương nuôi tôm hàng đầu của cả nước) cho hay, năm 2021 tỉnh này có diện tích nuôi tôm đạt 53.000ha, vượt 3,92% kế hoạch, tăng 2,49% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm đạt hơn 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Nam, dự báo ngành tôm đối mặt với những khó khăn, thách thức như xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, chất lượng con giống, giá cả thị trường, dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao…

Năm 2021 xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỷ USD ảnh 1

Nuôi tôm thâm canh ở ĐBSCL.

Tại hội nghị, nhiều hạn chế của ngành tôm cũng được các đại biểu nêu ra. Ông Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cho biết, năm 2021, có 64 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo.

Trong năm 2021, NAFIQAD đã thực hiện lấy 1.768 mẫu tôm nuôi tại 111 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả phát hiện 13 mẫu tôm vi phạm liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, cho thấy xu hướng các cơ sở nuôi tôm lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng tăng cao...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, năm 2021 Chính phủ giao chỉ tiêu sản lượng thủy sản đạt 8,6 triệu tấn, kết quả thực hiện đạt 8,73 triệu tấn. Về XK thủy sản, Chính phủ giao 8,5 tỷ USD, kết quả đạt 8,89 tỷ USD. Trong đó, ngành tôm có đóng góp rất quan trọng (XK đạt 3,9 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo ông Tiến, ngành tôm vẫn còn những hạn chế nhất định. Ngoài khó khăn do dịch bệnh COVID-19 thì hạ tầng nông thôn, nông nghiệp nói chung còn yếu kém; nuôi tôm công nghệ cao còn ít; vấn đề môi trường cần phải giải quyết căn cơ cả trước mắt và lâu dài.

“Vấn đề kháng sinh, hóa chất, chất lượng con giống, dịch bệnh, cộng với giá thức ăn, giá xăng dầu, chi phí logistics… Tôi đi cơ sở, với hạ tầng thế này, môi trường, đầu tư thế này thì mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD năm 2025 là bài toán khó” – ông Tiến nói.

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước năm 2021 đạt 747.000ha; sản lượng đạt 970.000 tấn (tăng 4,3% so với năm 20220); kim ngạch XK đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2020. Kế hoạch năm 2022, diện tích nuôi tôm đạt 750.000ha; sản lượng 980.000 tấn; kim ngạch XK đạt trên 4 tỷ USD.

Theo điều tra của Liên minh Thủy sản toàn cầu (GAA), sản lượng tôm của thế giới năm 2022 dự đoán vẫn tiếp tục tăng, điều này sẽ gây ra những thách thức, tác động rất lớn đối với ngành tôm Việt Nam như: cạnh tranh gay gắt hơn, giá tôm nguyên liệu thế giới có xu hướng giảm sẽ gây áp lực lớn; sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về ATTP…

MỚI - NÓNG