Doanh nghiệp gặp khó
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex, một trong những DN xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước cho biết, lệnh dừng xuất khẩu gạo bất ngờ, giới doanh nghiệp (DN) xuất khẩu rúng động vì nhiều lô hàng đã chất lên tàu.
Lãnh đạo một DN xuất khẩu lớn khác cho biết, DN đã nhận được công văn của Hải quan tạm dừng xuất khẩu từ 0 giờ ngày 24/3. Theo vị giám đốc này, do dịch bệnh, nên người dân ở một số địa phương đổ xô đi mua dự trữ, thị trường chưa kịp điều tiết, nên dẫn đến thiếu cục bộ, các bộ ngành mới lo lắng.
“Chúng tôi đang tăng ca tối đa để cấp gạo cho thị trường nội địa mùa dịch COVID-19. Điều đang lo, nhiều DN đã ký hợp đồng xuất khẩu từ đầu vụ với giá thấp, nay giá gạo lên cao, họ phải mua vào với giá cao để giao hàng, nên đứng trước nguy cơ lỗ nặng”, vị giám đốc nói.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu đang ở mức 428-432 USD/tấn, so với khoảng mức 345 USD/tấn từ đầu vụ. Giá gạo xuất khẩu tới nay đã tăng 80-85 USD/tấn- mức cao nhất trong nhiều năm qua. Với mức giá trên, so với cùng phân khúc, giá gạo Việt Nam hơn gạo Thái khoảng 40 USD/tấn, nhưng cao hơn Ấn Độ tới 80 USD/tấn.
Theo ông Phạm Xuân Quế, Tổng Giám đốc Tổng Cty lương thực miền Bắc (Vinafood 1), nếu thị trường khả quan, chắc chắn mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn, kim ngạch trên 3 tỷ USD của ngành lúa gạo hoàn toàn có thể đạt được. Ông cho biết, giá gạo Việt Nam thu hẹp với gạo Thái, nhưng cao hơn gạo Ấn Độ, Pakistan, Myanmar… là các đối thủ của Việt Nam. “Các nước tăng cường nhập khẩu gạo, các hợp đồng lớn liên tục bay về” - ông Quế nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một số DN xuất khẩu gạo lớn cho biết, cùng với diễn biến bất thường của dịch COVID-19, các DN xuất khẩu gạo đang trong cảnh tiến thoái lưỡng nan nếu phải dừng xuất khẩu gạo kéo dài.
Lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho hay, để đáp ứng đơn hàng, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã mua vào một lượng gạo tương đối lớn để chuẩn bị giao theo hợp đồng cho các đối tác. Như doanh nghiệp của ông, đã mua hơn 300 nghìn tấn gạo để thực hiện hợp đồng đã ký giao trong tháng 4.
Chủ tịch HĐQT một DN xuất khẩu gạo tại TPHCM cho hay, với việc tạm dừng không được xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ “đứng hình” vì không biết xử lý hợp đồng với khách hàng thế nào và lấy nguồn tiền đâu để trả lãi vay ngân hàng, trả tiền mua hàng các đại lý thu mua.
Theo vị này, các DN chắc chắn sẽ phải chấp hành yêu cầu dừng xuất khẩu gạo của cơ quan quản lý. Đặc biệt, nếu đã có cảnh báo về việc thiếu lương thực trong nước nếu không cân đối xuất khẩu thì việc tạm dừng cũng là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay các DN xuất khẩu gạo phần lớn là làm thương mại. Vì vậy, nếu không được xuất khẩu, chắc chắn hoạt động của DN sẽ bị ảnh hưởng rất lớn do khách hàng sẽ phạt hợp đồng, thậm chí hủy đơn hàng cho các lần sau.
Việt Nam có thực sự thiếu gạo?
Ngày 25/3, Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương để chỉ đạo các giải pháp, đảm bảo được kế hoạch sản xuất lúa năm 2020, với sản lượng lúa dự kiến đạt 43,5 triệu tấn.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn bộ lúa vụ Đông Xuân cả nước sẽ được thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt khoảng 20,2 triệu tấn thóc, trong đó các tỉnh ĐBSCL khoảng 10,8 triệu tấn (hiện đã thu hoạch 1,3 triệu ha, sản lượng 9 triệu tấn), còn lại 9,4 triệu tấn ở các vùng miền còn lại.
Lãnh đạo một DN xuất khẩu gạo có tiếng tại TPHCM cho biết, đơn vị “mắc kẹt” 4 container gạo tại cảng Sài Gòn. Số gạo này chuẩn bị xuất sang Úc, nhưng đến cảng mới được hải quan thông báo tạm ngừng thông quan từ 0h ngày 24/3. “Lô hàng lần này trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Để có đơn hàng xuất khẩu, chúng tôi phải chuẩn bị cả tháng, tốn rất nhiều nhân công và chi phí. Quyết định tạm dừng xuất gạo không chỉ khiến đơn hàng dở dang, mà còn gây mất niềm tin với đối tác. Dù hôm nay đã được thông quan trở lại nhưng e rằng trễ hợp đồng. Chúng tôi đang thương lượng với đối tác và chưa nhận được phản hồi” - vị này cho hay.
Uyên Phương
Bộ NN&PTNT nhận định, nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể sẽ tăng do một số quốc gia và người dân có thể mua để tích trữ. Do đó, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để có thể điều chỉnh tăng diện tích lúa Thu Đông lên khoảng 800 nghìn ha nếu có thể.