Năm 2020, giải quyết căn bản hồ sơ người có công tồn đọng

Năm 2020, giải quyết căn bản hồ sơ người có công tồn đọng
TPO - Các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Đề án về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng đã thống nhất: Xây dựng dự thảo Đề án với mục tiêu tới năm 2020, giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị công nhận có công với cách mạng còn tồn đọng.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng đề án về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, diễn ra sáng 3/7.

Để người có công không phải đi xin

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong những năm qua, người có công với cách mạng đã được Đảng và nhà nước chăm lo tốt. Hệ thống chính sách ưu đãi người có công ngày càng được hoàn thiện, đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 1,4 triệu người có công…

Tuy vậy, một số hạn chế trong xây dựng chính sách, triển khai chính sách cũng bộc lộ. Việc giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng, giám định thương tật, nhiễm chất độc hóa học, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ… vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban dân vận Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án cho biết, dù những năm qua người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước chăm lo. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn đọng phải giải quyết, như xác nhận nhiễm chất độc hóa học, tới nay danh mục bệnh do nhiễm chất độc hóa học vẫn còn chưa thống nhất. Như bệnh tiểu đường, có liên quan tới chất độc hóa học không tới nay Bộ Y tế chưa xác định được.

Theo bà Mai, việc quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn khó khăn cả trong thực hiện và bố trí nguồn lực. Thủ tục hành chính với người có công cũng cần cắt giảm để người có công cảm thấy được ý nghĩa của chính sách.

“Nếu thủ tục vẫn tầng tầng, nấc nấc làm người có công cảm thấy như mình không còn có công nữa, không còn được vinh danh. Phải xem chính sách nhà nước đưa ra là ghi ơn người có công, không phải người ta phải đi xin nhà nước”, bà Mai nói. Bà kể, xuống địa phương có nhiều cán bộ trẻ, không hiểu sâu sắc cống hiến của người có công, nên giải quyết công việc rất hời hợt.

Bà Mai yêu cầu Dự thảo Đề án về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng cần đề cập tất cả những vấn đề trên, và đưa ra hướng giải quyết, mục tiêu cụ thể đạt được. Như chất lượng cuộc sống người có công phải tốt hơn, giải quyết hồ sơ tồn đọng, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ…

Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu ban soạn thảo đưa vào Đề án 2 phương án đề xuất: Sửa đổi pháp luật ưu đãi người có công, hoặc nâng pháp lệnh lên thành luật để xin ý kiến Ban Bí thư, vì còn ý kiến khác nhau.

Mở rộng chính sách

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Phó Ban chỉ đạo cho biết, vừa qua rà soát 60.000 hồ sơ người có công, phát hiện 1.800 hồ sơ hưởng sai chế độ (chiếm 0,04% người có công). Đồng thời, qua thanh kiểm tra đã xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, thu hồi tiền chính sách hưởng sai. Cũng có trường hợp tự nguyện trả lại tiền trục lợi chính sách. Tuy nhiên, việc thu hồi không dễ, do nhiều người đã chết, nhiều trường hợp là hộ nghèo hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo ông Dung, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai ứng dụng thông tin số về liệt sĩ, để gia đình thân nhân có thể tra cứu thông tin từ bất kể đâu. Không phải đi từng nơi tìm kiếm như hiện nay. Đồng thời, xây dựng ngân hàng gen hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính, để thân nhân có thể tự giám định gen của mình và so sánh theo ngân hàng gen. Theo ông Dung, vừa qua xác định danh tính được 3.000 hài cốt liệt sĩ đã phải lấy 12.000 gen thân nhân để so sánh.

Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH đang thí điểm chi trả trợ cấp người có công qua bưu điện tại 6 tỉnh thành, hết năm 2017 sẽ tổng kết, nếu tốt sẽ làm đại trà cả nước.

Ông Dung đề xuất cần đưa vào Đề án việc mở rộng chính sách với người có công, như chính sách phải đề cập tới người có công với nước trong thời bình; thế hệ thứ 2 - 3 bị ảnh hưởng bởi chất động hóa học; nâng cao mức trợ cấp cho người có công, vì hiện mức còn thấp hơn hỗ trợ cho người nghèo tại các đô thị lớn. Đặc biệt, ông Dung đề xuất đưa vào Đề án mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị công nhận người có công còn tồn đọng.

Đề án về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng đưa ra 9 nhiệm vụ, nội dung để thực hiện các mục tiêu chăm lo tốt hơn nữa người có công. Trong đó tập trung tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ Quốc, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân đối với công tác người có công; thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng; đổi mới, chú trọng công tác tuyên truyền; ưu tiên các nguồn lực để thực hiện tốt chính sách; thực hiện tốt công tác xác nhận người có công; đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; đổi mới công tác quản lý nhà nước; tăng cường công tác thanh, kiểm tra; xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện chỉ thị.

MỚI - NÓNG