Năm 2020: Chuẩn bị nhân sự Trung ương khóa mới, Quốc hội không giấy tờ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14
TP - Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn bởi tác động của đại dịch COVID-19, cũng như thiên tai, lũ lụt dị thường, song với sự đoàn kết, chung sức, chúng ta vẫn tổ chức thành công các sự kiện thời sự, chính trị quan trọng, nhất là các Hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và Ðại hội đảng bộ các cấp. Ðây chính là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1- 2/2/2021.

Nhiều ngày kỷ niệm lớn

Năm 2020 là năm có nhiều ngày kỷ niệm và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Qua các hoạt động kỷ niệm cũng như các hội thảo thêm một lần nữa khẳng định, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Thực tế, sau gần 35 năm tiến hành công cuộc Đổi Mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Ðại hội Ðảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID, thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, đột xuất khác, đại hội đảng bộ các cấp vẫn được tiến hành cơ bản đúng tiến độ theo Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị. Trong đó, các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu 3.330 người vào Ban chấp hành khóa mới, trong đó 1.084 nhân sự tham gia lần đầu.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, so với nhiệm kỳ trước, cơ cấu, chất lượng cấp ủy nhiệm kỳ mới được nâng lên rõ rệt. Trong đó, cấp ủy nữ là 523 người, đạt tỷ lệ 15,71%, cao hơn nhiệm kỳ trước 2,69%. Đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh, thành ủy đã có sự chuyển giao thế hệ, với sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ thuộc thế hệ 7X.

Cụ thể, trong số 63 bí thư tỉnh, thành ủy được bầu, có 27 bí thư từ 50 tuổi trở xuống (chiếm 43,08%); 27 bí thư cấp ủy không là người địa phương (chiếm 41,54%). Kết quả bầu cử cũng ghi nhận nhiệm kỳ đầu tiên có số nữ bí thư Tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay, 9 người, tăng 6 người so với nhiệm kỳ trước. 67 đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương cũng đã bầu đủ 1.381 đại biểu chính thức và 131 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, công tác cán bộ được tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng, từ việc thể chế hóa văn bản về công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống “chạy chức chạy quyền” được lãnh đạo, chỉ đạo và được thực hiện rất nghiêm túc.

Chuẩn bị nhân sự Trung ương khóa mới

Để chuẩn bị cho đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (từ 25/1- 2/2/2021), trong năm 2020, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương (T.Ư) đã tổ chức ba hội nghị quan trọng là Trung ương 12, 13 và 14. Trước đó, cuối tháng 4/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng với tựa đề: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu không để lọt vào T.Ư khóa mới những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

Tại Hội nghị lần thứ 12 (tháng 5/2020), BCH T.Ư thống nhất, khóa XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình BCH T.Ư xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng. Tới hội nghị Trung ương lần thứ 13 (tháng 10), T.Ư đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự T.Ư khoá XII tái cử và nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia BCH T.Ư khoá XIII. Bên cạnh đó, T.Ư cũng đã hoàn thiện các dự thảo văn kiện để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Đến Hội nghi T.Ư lần thứ 14 mới đây (tháng 12), BCH T.Ư tiếp tục xem xét công tác nhân sự. T.Ư đã bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư. BCH T.Ư giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự để xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới.

Thành tựu sau 8 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Cùng với việc xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, nhất là sau 8 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban.

Theo báo cáo, trong 8 năm, từ 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng bày tỏ tin tưởng rằng, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân.

Năm 2020: Chuẩn bị nhân sự Trung ương khóa mới, Quốc hội không giấy tờ ảnh 1

Các đại biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14. Ảnh: Nhật Minh

“Quốc hội không giấy tờ”

Năm 2020 cũng là một năm chứng kiến nhiều sự đổi mới trong hoạt động Quốc hội. Trước đại dịch COVID-19 xảy ra, Quốc hội quyết định thay đổi phương thức làm việc, lần đầu tiên áp dụng hình thức họp trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố. Cùng với đó, lần đầu tiên Quốc hội ứng dụng công nghệ, trở thành “Quốc hội không giấy tờ”. Sự đổi mới này đã giúp các đại biểu Quốc hội không phải “ôm” cả đống tài liệu như trước kia. Bây giờ, đại biểu rất dễ dàng trong biểu quyết và ở đâu cũng có thể nghiên cứu được tài liệu từ iPad, điện thoại di động. Những sự đổi mới đó tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại mang lại hiệu quả rất lớn.

Điểm ấn tượng khác cũng được cử tri và nhân dân đánh giá cao là quá trình làm luật, cho ý kiến về những vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau. Điển hình như việc gửi phiếu xin ý kiến về một số nội dung của hai dự án luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Kết quả cho thấy, chỉ có 104 đại biểu tán thành (tương đương 21,62%) và có tới 302 đại biểu (tương đương 62,7%) không tán thành với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.

MỚI - NÓNG