Năm 2017, người Việt chi gần 4 tỷ USD để... uống bia

TPO - Sáng 9/11, trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, chi tiêu cho rượu, bia chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu của hộ nghèo và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói tăng thêm.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sử dụng rượu, bia là thói quen tiêu dùng tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực trên một số cá nhân, có thể mang lại một số tác động tích cực. Tuy nhiên, do rượu, bia đều chứa cồn là chất gây nghiện, được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên việc sử dụng rượu, bia có nguy cơ tác động đối với sức khỏe và cần có cơ chế quản lý khác với các hàng hóa thông thường theo hướng phòng ngừa, hạn chế tác hại ngay từ khi con người tiếp cận sản phẩm này.

Năm 2017, người Việt chi gần 4 tỷ USD để... uống bia ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Trên thế giới, mỗi năm rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá. Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu, bia, 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam do sử dụng rượu, bia…

Bộ trưởng Kim Tiến cũng cho rằng, chi tiêu cho rượu, bia chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu của hộ nghèo và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói tăng thêm. Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% -3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp. Số liệu từ Đức - nước tiêu thụ rượu, bia đứng thứ 9 trên toàn cầu cho thấy, thiệt hại do rượu, bia gây ra hằng năm khoảng 20 tỷ Euro (trong khi doanh thu từ sản xuất rượu, bia là 17 tỷ Euro và số nộp ngân sách là 3,5 tỷ Euro).

Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD.

Rượu bia ảnh hưởng đến thế hệ tương lai

Dự thảo luật quy định các trường hợp không được sử dụng rượu, bia, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc; uống rượu, bia tại một số địa điểm. Đây là các nhóm đối tượng mà việc sử dụng rượu, bia không chỉ tác động đến bản thân người đó mà còn có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến người khác và cộng đồng, chất lượng lao động và nghiêm trọng hơn đó là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước.

Đối với kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, ngoài việc kế thừa quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, dự thảo Luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm quan điểm nhất quán của Luật là quản lý toàn diện đối với rượu, bia, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đối với bia, nhưng có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm  và các quy định để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên tiếp cận sớm với rượu, bia, hạn chế việc thúc đẩy sử dụng rượu, bia.

Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định “cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức” chưa phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo và Luật Thương mại. Ủy ban thấy rằng, quy định này là cần thiết vì theo các nghiên cứu, với cùng một lượng rượu hay bia và có cùng một độ cồn, khi dung nạp vào cơ thể người sẽ có tác hại như nhau mà không có sự phân biệt giữa rượu hay bia. Việc ban hành quy định này cũng không tạo ra xung đột pháp lý với Luật Quảng cáo và Luật Thương mại theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban đề nghị thể hiện điều cấm tại khoản 4 Điều 5 theo hướng cấm “ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia”, “sử dụng người dưới 18 tuổi trong hoạt động sản xuất và buôn bán rượu bia” để đảm bảo tính toàn diện và bao quát hơn.

Về kiểm soát quảng cáo rượu, bia, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo như dự thảo Luật để hạn chế khả năng tiếp cận và tính sẵn có của rượu, bia; Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, quy định kiểm soát chặt chẽ quảng cáo rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, quyền được tiếp cận thông tin về rượu, bia.

Ủy ban nhất trí với luồng ý kiến thứ nhất và thấy rằng, những tác động bất lợi đến thu ngân sách nhà nước theo loại ý kiến thứ hai không so sánh được với chi phí mà ngân sách nhà nước và người dân phải bỏ ra cho việc điều trị bệnh và xử lý những vấn đề xã hội có liên quan đến rượu, bia; đồng thời, đánh giá cao việc Chính phủ đã quy định linh hoạt mức độ kiểm soát quảng cáo khác nhau đối với những sản phẩm rượu, bia có nồng độ cồn khác nhau.

MỚI - NÓNG