'Nấc thang vàng' tới ấm no

'Nấc thang vàng' tới ấm no
TP - Phía sau vẻ đẹp quyến rũ của những thảm lúa vàng trùng điệp Mù Cang Chải là cả một nền kinh tế mang tên ruộng bậc thang, mà những nông dân như Giàng A Chu từ thửa ruộng của mình có thể mang cả ngoại tệ về cho vùng cao...

> Mùa vàng lưng chừng trời
> Mù Cang Chải - Nôn nao mùa lúa chín

 Ruộng bậc thang – “bồ thóc” của vùng cao Yên Bái
Ruộng bậc thang – “bồ thóc” của vùng cao Yên Bái.

Bồ thóc quý của người vùng cao

Người Mông có câu: “Ruộng bậc thang là bồ thóc quý giá của người vùng cao. Cái bồ thóc đó đẹp nhất khi khai ruộng nước đang về đầy, khi lúa vừa lên xanh và khi lúa chín vàng”. Và vẻ đẹp ấy đang giúp người Mông no ấm.

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UNBD huyện Mù Cang Chải nói về “bồ thóc”: “Với diện tích quy hoạch ruộng bậc thang của 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình là 500 ha cho năng suất cao và ổn định, cải thiện đời sống cư dân. Người Mông cũng có nhiều diện tích nương rẫy và họ thấm thía sự bất ổn của nương rẫy như thế nào.

Chính vì thế ruộng bậc thang đã tạo nên cuộc sống định cư lâu dài - tiêu chuẩn để đánh giá sự tiến bộ xã hội. Nhờ có diện tích ruộng bậc thang này mà ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình kinh tế phát triển hơn các xã có nhiều diện tích nương rẫy. Nhờ gắn bó với ruộng bậc thang mà người Mông ở đây không di cư”.

Cụ Giàng A Châu, ngoài 80 tuổi ở bản xã Chế Cu Nha, ngồi trên ngôi nhà sàn nằm cạnh thửa ruộng bậc thang vàng rực của mình, nói với tôi: “Khi nhà ta khai khẩn được ruộng bậc thang thì không phải đi đốt rừng làm nương nữa, cái bụng cũng no hơn à!”.

Đa số người dân 3 xã này đều biết ơn ruộng bậc thang vì nhờ nó mà cuộc đời họ thay đổi. TS Trần Hữu Sơn, từng lập hồ sơ đề nghị công nhận ruộng bậc thang là di sản quốc gia và thế giới, khẳng định: “Ruộng bậc thang rất quan trọng với người miền núi vì gạo không chỉ là nguồn lương thực chính mà còn để trao đổi mua bán. Gạo với các tộc người vùng cao còn chứng minh sức mạnh gia tộc, nguồn sống của tộc người”.

Lại sắp bắt đầu lễ mừng cơm mới khi lúa trên những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã chín rộ và đang được gặt hái. Vụ này được mùa, năng suất cũng khoảng 5 tấn /ha. Cụ Giàng A Châu sẽ mổ lợn mời thân tộc tới dự. Bát cơm gạo mới cùng chén nước, thẻ hương được dâng lên bàn thờ tổ tiên. Chỉ sau lễ cúng cơm mới, thóc lúa mới được dùng vào việc khác.

Chút lo âu bên ruộng bậc thang

Tôi phân vân khi thấy có chút gì đó lo âu trên gương mặt của chàng nông dân Giàng A Chu ở xã La Pán Tẩn. A Chu chỉ lên đỉnh núi xa xanh phía trên: “Rừng đang bị thu hẹp lại, nguồn nước không dồi dào như trước. Nắng to hơn mà mưa bão cũng lớn hơn. Mưa lũ làm xói mòn đất đá, đổ xuống lấp cả ruộng bậc thang. Có lúc tôi đã phát khóc vì ruộng bậc thang được khai khẩn từ đời cụ nội bị lấp chỉ trong một đêm mưa to”.

Điều A Chu lo ngại nữa là những dự án thủy điện ở Mù Cang Chải có thể sẽ phá vỡ cảnh quan, lấy hết nguồn nước cung cấp cho những triền ruộng bậc thang. Từ thị trấn Mù Cang Chải đi lên, tôi đã bắt gặp những chiếc xe tải đang chở đất đá để lấp suối, làm dự án thủy điện của một tập đoàn tư nhân dưới xuôi.

Rồi A Chu lo trong cơn lốc đô thị hóa, nhiều thanh niên người Mông xuống núi “dan díu” với đô thành, quen với những tiện nghi hiện đại, có còn thiết tha với cày cuốc trên những thửa ruộng bậc thang của cha ông?

Ngày thăng hoa của những “nấc thang vàng”

Nhưng hiện trạng đáng lo ấy đang dễ tan biến đi trước những thảm lúa vàng uốn lượn của Mù Cang Chải. Chọn lúc thời tiết vào thu mát mẻ, chọn cữ lúa đang chín rực nhất “Tuần văn hóa du lịch Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải năm 2013” diễn ra từ 26 đến 29/9 này.

Ngày càng nhiều du khách đến với ruộng bậc thang. Ảnh: PV
Ngày càng nhiều du khách đến với ruộng bậc thang. Ảnh: PV.

Kể từ ngày ruộng bậc thang Mù Cang Chải được công nhận danh thắng cấp quốc gia, thì lễ hội ruộng bậc thang diễn ra vào mùa lúa chín như một thời khắc thăng hoa của mảnh đất này. Kể từ ngày đó, 500 ha ruộng bậc thang ở đây được giữ gìn nguyên trạng và những nông dân người Mông biết rằng ruộng không chỉ cho thóc lúa mà còn hái ra tiền từ việc thu hút du khách đến đây tham quan ngắm cảnh.

Bà Lương Thị Xuyến –Phó Chủ tịch huyện Mù Cang Chải, Trưởng ban tổ chức tuần văn hóa ruộng bậc thang – chia sẻ với tôi: “Sự kiện này nhằm tôn vinh ruộng bậc thang, các giá trị văn hóa dân tộc Mông và thu hút khách du lịch tới với thắng cảnh này. Tôi tin Mù Cang Chải với ruộng bậc thang sẽ trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế”.

Bà Xuyến hoàn toàn có cơ sở khi nhận định như vậy, khi mà kiệt tác ruộng bậc thang được đặt trong cảnh quan thiên nhiên kỳ thú hoang sơ. Nơi đây còn trên hai mươi nghìn ha rừng già và rừng nguyên sinh. Hơn mười hai ngàn ha rừng thông , hơn hai nghìn ha rừng sơn tra, khu bảo tồn các loài sinh cảnh cùng hệ thống dày đặc các khe suối, hang động…

Trên cái nền ấy, những sản phẩm du lịch độc đáo được trình diễn ở tuần văn hóa ruộng bậc thang lần này càng trở nên hấp dẫn.

Sẽ có dù lượn bay trên những thửa ruộng bậc thang đã chín vàng. Khoảng 100 vận động viên dù lượn đến từ các tỉnh thành sẽ tập trung về đây phô diễn. Một khung cảnh lãng mạn chưa từng có: dù lượn bay trên các thảm vàng, giữa bầu trời cao vọi trên độ cao 1.000 mét so với mặt nước biển.

Màn đại xòe của 2013 người tham gia sẽ lập kỷ lục Việt Nam. Màn múa xòe vô cùng ấn tượng bởi chưa bao giờ những người múa xòe được tập hợp đông như vậy tại cùng một
địa điểm.

Chợ phiên vùng cao với hai dãy gian hàng chia thành 14 gian, lán chợ được dựng bằng vật liệu tre nứa, lá. Mỗi lán phục vụ thắng cố đảm bảo 300 người ăn.

Giàng A Chu háo hức chuẩn bị dự hội. A Chu sẽ tham gia “Hành trình với danh thắng ruộng bậc thang” được tổ chức ngay tại ruộng bậc thang xã Chế Cu Nha, dự hội thi gặt lúa nhanh, cày ruộng giỏi với nông dân các bản khác.

A Chu trong vai hướng dẫn viên du lịch sẽ giới thiệu cho du khách nghe về lịch sử hình thành, những nét văn hóa độc đáo sản xuất nông nghiệp tại ruộng bậc thang.

Tôi vào căn nhà của A Chu đang được trang hoàng lại. Dự kiến tới đây, khách sạn nhà nghỉ ở thị trấn Mù Cang Chải sẽ kín khách.

A Chu tâm sự: “Tôi đang định sẽ nối mạng internet, mua truyền hình số vệ tinh, làm công trình vệ sinh khép kín để hằng ngày có thể tiếp đón khách du lịch. Họ tới đây tôi sẽ dẫn họ lên ruộng bậc thang mấy đời nhà tôi khai khẩn. Tôi kể cho họ nghe về đủ chuyện ruộng bậc thang. Tôi sẽ nấu cho họ ăn cơm gạo làm từ ruộng bậc thang. Chắc khách sẽ ưng cái bụng thôi”.

Điều mà chàng trai người Mông này đang hình dung đã và đang là hiện thực.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều phượt thủ từ dưới xuôi đi xe máy lên ngoạn cảnh, những chiếc áo phông đỏ mà họ mặc đã điểm tô những gam màu ấm nóng trên những thảm vàng Mù Cang Chải. Hằng năm cứ tới mùa ruộng bậc thang chín rộ nhiều đoàn xe vượt đèo dốc lên đây, đã thành nếp đến hẹn lại lên. Người Mông không “thức thời” đến mức thu tiền du khách chụp ảnh ruộng lúa như những ruộng cải ở Hà Nội. Nhưng du lịch và những “giá trị gia tăng” từ ruộng bậc thang chắc sẽ giúp Mù Cang Chải “thiên đường ruộng bậc thang” , một trong hai huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái thoát nghèo.

Lễ công bố Quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng thị xã Văn hóa-Du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013-2020” sẽ diễn ra tối 29/9 tại sân vận động TX Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Điểm nhấn trong sự kiện này là màn xòe lớn nhất Việt Nam với hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên và người dân tham gia biểu diễn. Sáu điệu xòe cổ sẽ được trình diễn trong màn xòe, dự kiến kéo dài khoảng 20-25 phút.
TX Nghĩa Lộ sẽ bố trí 3 màn hình LED kích thước lớn, được đặt ở các vị trí thuận lợi xung quanh sân vận động để đông đảo nhân dân và du khách được xem màn đại xòe được tường thuật trực tiếp từ trong sân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG