Myanmar chi khủng cho quốc phòng

Myanmar chi khủng cho quốc phòng
TPO - Dự thảo ngân sách quốc phòng Myanmar trong năm tài khóa 2014-2015 lên tới khoảng 2,3 tỷ USD, tương đương 12,2% cơ cấu ngân sách của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo MyanmarTodayNews, nếu đề xuất kinh phí nêu trên được thông qua, thì ngân sách quốc phòng của Myanmar trong năm tài khóa 2014-2015 (dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 2/2014, trong khi năm tài chính Myanmar bắt đầu vào tháng 4), cao hơn nhiều ngân sách của các bộ ngành khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar Wai Lwin cho biết, ngân sách quốc phòng tài khóa 2014-2015 sẽ được chi để bảo đảm đời sống binh sĩ, đào tạo, sửa chữa cơ quan quốc phòng (kể cả ở nước ngoài), huấn luyện chiến đấu, mua sắm vũ khí trang bị.

Ngoài ra, một phần kinh phí được dùng xây dựng đường sá đảm bảo cho các chiến dịch quân sự và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu ngân sách (chi phí cho y tế là 3% và 5% cho giáo dục), song trên thực tế, ngân sách quốc phòng của Myanmar năm 2014-2015 thấp hơn 6 tỷ kyat so với năm tài khóa 2013-2014.

Tuy nhiên, theo luật pháp Myanmar, ngoài kinh phí từ ngân sách nhà nước theo phân bổ trong năm tài chính, Bộ Quốc phòng nước này còn có thể sử dụng “kinh phí tích lũy trong các quỹ đặc biệt” mà không cần chuẩn chi của Quốc hội.

Các nguồn kinh phí này dùng để “duy trì chủ quyền quốc gia” và được chi khi có phê chuẩn của Tổng tư lệnh quân đội, theo MyanmarTodayNews.

Hiện nay Trung Quốc và Nga là những đối tác chính cung cấp vũ khí, trang bị quốc phòng cho quân đội Myanmar, trong đó có những phương tiện chiến đấu hiện đại như: tiêm kích MiG-29, trực thăng tiến công Mi-35, radar 1L117M, máy bay vận tải An-148-100; máy bay huấn luyện chiến đấu K-8 Karakorum, xe bọc thép chở quân ZFB-05, tên lửa chống hạm C-802…

Theo MyanmarTodayNews
MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.