Đêm 25/7 (giờ Mỹ), ngoại trưởng Mike Pompeo viết trên Twitter: “Chính sách của Mỹ rất rõ ràng: Biển Đông không phải là đế chế biển của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế và các quốc gia tự do không làm gì, lịch sử cho thấy Trung Quốc sẽ chiếm thêm lãnh thổ. Tranh chấp biển Đông phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế”. Đây vẫn là những ý chính trong thông điệp mà Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi hôm 13/7.
Trước đó ít giờ, trong ngày thứ Bảy, Úc tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với “các phần quan trọng của biển Đông” tại LHQ, theo tường thuật của Sydney Morning Herald.
Trong hồ sơ đệ trình lên LHQ, chính phủ Úc cho biết “không có cơ sở pháp lý” để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các nhóm đảo “Tứ Sa”, đòi yêu sách với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc các khu vực biển được tạo ra khi thủy triều thấp. Trung Quốc thường đề cập các vùng lãnh thổ này nằm trong cái mà họ gọi là “đường chín đoạn” mơ hồ và phi lý.
“Úc bác bỏ mọi yêu sách đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên các đường cơ sở như vậy”, tuyên bố nói.
“Chính phủ Úc khuyến khích tất cả các nước có yêu sách ở biển Đông, bao gồm cả Trung Quốc, làm rõ các yêu sách biển của họ và giải quyết các khác biệt một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế.”
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ Năm cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các quốc gia ASEAN tại biển Đông.
“Quan tâm nhất đối với tôi là Giải phóng quân Nhân dân (quân đội Trung Quốc-PV) tiếp tục những hành vi hung hăng ở biển Đông và biển Hoa Đông, bao gồm việc đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam, quấy rối hoạt động phát triển dầu khí Malaysia, hộ tống các đội tàu đánh cá Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và dùng quân sự chiếm giữ một số thực thể, trái ngược với các cam kết của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế “, ông nói.
Vào ngày 14/7, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Ralph Johnson của hải quân Mỹ đã di chuyển gần quần đảo Trường Sa, nơi có các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép và quân sự hóa. Hình ảnh vệ tinh trong tuần cho thấy Trung Quốc đã triển khai 8 máy bay chiến đấu trên một hòn đảo tranh chấp trong khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynold được nói là bay tới Washington vào hôm qua để đàm phán đối tác Mỹ vào thời điểm căng thẳng nhất trong quan hệ Úc-Trung kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập vào những năm 1970.
Thượng nghị sĩ Payne và Reynold, những người sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày khi họ quay trở lại Úc, sẽ có một loạt các cuộc họp với bộ trưởng Esper và bộ trưởng Mike Pompeo.
“Úc chưa học được bài học nào lớn”
Một bài viết đăng đêm 25/7 trên Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc dẫn lời “chuyên gia trong nước” dọa rằng Úc có thể bị Trung Quốc trả đũa. “Cần phải nói rằng cho đến nay, Úc vẫn chưa học được một bài học nào lớn. Nếu họ vẫn khăng khăng đi trên con đường hiện tại, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ có biện pháp đối phó mạnh mẽ. Ví dụ, Trung Quốc có thể nhắm mục tiêu vào các sản phẩm nông nghiệp thay thế như thịt bò và rượu vang”, ý kiến trong bài báo nói. Thịt bò và rượu vang là hai trong số các sản phẩm nông nghiệp Úc xuất khẩu sang Trung Quốc.