Mỹ - Trung ứng xử thế nào với tranh chấp trên Biển Đông?

Mỹ - Trung ứng xử thế nào với tranh chấp trên Biển Đông?
TP - Theo các thông cáo chính thức, tại các hội nghị cấp cao hai ngày qua, lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc đều ủng hộ hoặc khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

> Tuyên bố chung của Hội nghị ASEAN-Trung Quốc
> Quan hệ ASEAN – Mỹ hết sức quan trọng với hòa bình, an ninh khu vực

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) gặp song phương Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngày 20-11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia. Photo: Xinhua
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) gặp song phương Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngày 20-11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia. Photo: Xinhua.

Theo báo Mỹ New York Times (NYT), trong hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc, lãnh đạo Campuchia đọc một tuyên bố trong đó nói đến sự “đồng thuận” của Hiệp hội trong vấn đề Biển Đông là sẽ không “quốc tế hoá”.

Tuy nhiên, NYT dẫn lời của một số người tham dự cho biết đại diện các nước khác trong Hiệp hội bác bỏ tuyên bố này. Theo NYT, thông tin trên đã được một số quan chức Trung Quốc xác nhận sau đó.

Trả lời báo chí bên lề hội nghị ngày 20-11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định có sự đồng thuận và đây là vấn đề đa phương nên không thể dựa trên giải pháp song phương.

Một ngày trước đó, Philippines cũng lên tiếng phản đối tuyên bố của quan chức Campuchia rằng các nước ASEAN đã đạt được đồng thuận về việc không quốc tế hoá vấn đề
Biển Đông.

Về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc luôn khẳng định chỉ nên đàm phán trực tiếp (tay đôi) với từng nước liên quan.

Trong khi đó, các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc, luôn khẳng định lập trường rõ ràng về một cách tiếp cận đa phương sẽ giúp tháo gỡ bế tắc, ngăn chặn xung đột, đảm bảo hoà bình và ổn định trong khu vực.

Tổng thống Mỹ ủng hộ

Theo thông cáo chính thức từ Nhà Trắng, trong cuộc gặp với lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN tối 19-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ ủng hộ Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông.

Ông Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận tầm quan trọng của việc thiết lập cơ chế, quy trình để đảm bảo hoà bình, ổn định trước những tranh chấp về lãnh thổ trên Biển Đông.

Theo thư ký báo chí của ông Obama, cả Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng kêu gọi có “kết luận sớm” về bộ quy tắc ứng xử để xử lý tranh chấp trên Biển Đông.

Chiều 20-11, tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 diễn ra ở Campuchia, lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác liên quan tập trung bàn các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược liên quan hòa bình và phát triển ở khu vực; kiểm điểm và định hướng hoạt động của EAS thời gian tới cũng như việc triển khai hợp tác trong những lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, tài chính, quản lý thiên tai, giáo dục, dịch bệnh và triển khai kết nối ASEAN.

Về Biển Đông, nhiều nước phát biểu nhấn mạnh tầm trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc; thực hiện hiệu quả DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN, và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước tham gia Cấp cao Đông Á thông qua Tuyên bố EAS về Sáng kiến phát triển Đông Á và Tuyên bố EAS về phòng chống sốt rét kháng thuốc, đồng thời chính thức khởi động đàm phán về Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.