> Nhật xem xét mở rộng vùng xác định phòng không
> Hàng không Nhật Bản sẽ tuân thủ vùng phòng không của Trung Quốc
Quân đội Mỹ thường trực tại châu Á-Thái Bình Dương bác bỏ ADIZ do Trung Quốc áp đặt. Ảnh: Getty Images. |
Theo giới chức Lầu Năm Góc, hai chiếc B-52 ngày 26/11 cất cánh từ căn cứ Guam, bay qua khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trong vòng gần một giờ, rồi quay về căn cứ mà không gặp vấn đề gì. Mỹ nhấn mạnh, đây chỉ là hoạt động theo lịch trình thường lệ. Sự kiện trên diễn ra sau những thông báo trước đó của Mỹ rằng, các máy bay quân sự của họ sẽ không có nghĩa vụ tuân theo quy định mới của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, đại tá Steve Warren, khẳng định, hành động của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi cách thức Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực.
Đại tá Warren nói: “Khi chúng tôi bay vào khu vực đó, chúng tôi sẽ không khai báo kế hoạch bay, không xác định số máy thu phát tín hiệu, tần số vô tuyến và biểu tượng của mình”. Mỹ tuyên bố khu vực đó là không phận quốc tế và sẵn sàng hành động tự vệ trong trường hợp bị tấn công.
Báo Mỹ Wall Street Journal nhận định, nhiệm vụ của các máy bay B-52 là phát đi thông điệp rằng, Washington lập tức bác bỏ luật lệ mới của Trung Quốc. Với hàng trăm phi cơ quân sự đóng căn cứ trong khu vực, Mỹ nói không có ý định tuân thủ ADIZ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi hành động của Trung Quốc là nguy hiểm và không có giá trị. Trong khi đó, các đồng minh thân cận của Mỹ như Hàn Quốc, Úc cũng đều lên tiếng phản đối. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, Tokyo đang làm việc chặt chẽ với Washington và thực hiện mọi bước cần thiết để bảo vệ lãnh thổ.
Tiếp tục phớt lờ
Cả Mỹ và Nhật Bản đều tuyên bố không công nhận ADIZ của Trung Quốc, đồng thời nêu rõ động thái mới của Bắc Kinh không ảnh hưởng cách thức hoạt động của họ trong khu vực.
Ngày 27/11, hai hãng hàng không Nhật Bản là All Nippon Airways và Japan Airlines cho biết đã rút lại ý định thông báo lịch bay cho phía Trung Quốc, sau khi nhận được yêu cầu từ chính phủ Nhật Bản. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, các chuyến bay thương mại của Nhật Bản sẽ tiếp tục hoạt động dựa trên những quy định như trước.
Scott Harold, một chuyên gia về Trung Quốc của tổ chức tư vấn quốc tế RAND Corporation, nhận định, mục tiêu thật sự của Trung Quốc là tìm cách kiểm soát các máy bay quân sự của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc bay trong khu vực.
Theo chuyên gia phân tích an ninh Nhật Bản Yoichiro Sato, hành động của Trung Quốc xuất hiện do tình trạng nghi ngờ về sự cam kết yếu ớt của Mỹ đối với quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật và sự phòng vệ của quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Mỹ từng nói quần đảo này nằm trong phạm vi hiệp ước phòng thủ chung, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị tấn công.
Báo Mỹ New York Times dẫn lời quan chức Mỹ ngày 27/11 tuyên bố quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay huấn luyện thường xuyên trên biển Hoa Đông. Các chuyên gia lo ngại rằng, vấn đề Trung Quốc làm thế nào để áp đặt ADIZ còn chưa rõ ràng.
Đại tá Meng Xiangqin thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố trên CCTV rằng, một khi máy bay nước ngoài lọt vào khu vực này, các lực lượng tên lửa có thể được đặt trong tình trạng báo động.
Hôm qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo đã giám sát chặt chẽ hai chiếc B-52 của Mỹ bay qua ADIZ và tuyên bố: “Trung Quốc đủ khả năng thực thi kiểm soát hiệu quả khu vực phòng không”. Liên Hợp Quốc đã lên tiếng hối thúc Trung-Nhật đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp.
“Tàu sân bay Trung Quốc làm tăng căng thẳng trên biển Đông” Ngày 27/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói rằng, việc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc, Liêu Ninh, lần đầu tiên tới biển Đông là diễn biến đáng lo ngại, “làm gia tăng căng thẳng và vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”, Reuters đưa tin. Cùng ngày, Xinhua dẫn lời người phát ngôn Trung Quốc, nói rằng, Liêu Ninh ra biển Đông thử nghiệm là hoạt động huấn luyện bình thường. Liêu Ninh được hộ tống bởi 2 tàu khu trục và 2 tàu hộ vệ. Đến nay, tàu sân bay này đã thực hiên hơn 100 cuộc thử nghiệm, thí nghiệm nghiên cứu khoa học và huấn luyện trên biển, hầu hết diễn ra tại Hoàng Hải. |
Thục Ninh
Tổng hợp