Mỹ tăng gấp ba số tên lửa cho tàu ngầm hạt nhân

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.
Các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Mỹ sẽ được tăng cường hỏa lực gấp ba lần so với trước đây nhờ được trang bị các module phóng mới.

Hải quân Mỹ sắp hoàn thiện nguyên mẫu đầu tiên của module phóng thẳng đứng (VPM) mới cho tàu ngầm tấn công lớp Virginia, tăng số lượng ống phóng tên lửa từ 12 lên 40 ống, giúp tàu hoạt động tốt trong nhiều thập kỷ tới, theo National Interest.

Bình luận viên quốc phòng Kris Osborn cho biết  hệ thống VPM mới sẽ dài hơn 25 m, bố trí dọc thân tàu ngầm để tích hợp 4 ống phóng dài hơn hai mét. Nguyên mẫu VPM đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2017 và việc tích hợp dự kiến diễn ra vào năm 2019 để sẵn sàng hoạt động vào năm 2024-2025.

Ngoài các tên lửa Tomahawk, các hệ thống VPM mới cũng được thiết kế để phóng các vũ khí khác như các tàu lặn không người lái hoặc ngư lôi.

Theo Osborn, lý do Mỹ chế tạo hệ thống VPM là do bắt đầu từ thập niên 2020, 4 tàu ngầm tên lửa dẫn đường lớp Ohio có khả năng mang theo 154 tên lửa Tomahawk mỗi chiếc sẽ ngừng hoạt động, khiến hải quân mất lượng lớn hỏa lực dưới lòng biển.

Các tàu ngầm lớp Virginia, được chế tạo để thay thế tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles trong thập niên 1980, đang được Mỹ chế tạo. 10 tàu ngầm lớp Virginia Block I và II đã được biên chế cho hải quân trong khi tàu Block III đang được đóng.

Việc tăng cường năng lực tấn công trong lòng đại dương là một nội dung then chốt trong tính toán chiến lược của hải quân Mỹ, nhằm đối phó với những mối đe dọa từ công nghệ hiện đại ngày càng phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Các tàu ngầm đối phương hiện không chỉ chạy rất êm, sở hữu công nghệ thủy âm hiện đại, mà còn được trang bị các tên lửa diệt hạm dẫn đường chính xác tầm xa lợi hại.

Tên lửa diệt hạm DF-21D và các vũ khí thế hệ mới đang được Trung Quốc phát triển để diệt các tàu sân bay, khu trục hạm và tàu mặt nước ở khoảng cách xa tới hơn 1.448 km. Nếu không có một hệ thống vũ khí phòng thủ thích hợp để đối phó với những vũ khí tầm xa trong chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực này, năng lực triển khai sức mạnh và phát động tấn công của hải quân Mỹ có thể bị hạn chế đáng kể.

Khi đó, tàu sân bay Mỹ có thể bị buộc phải hoạt động xa bờ biển đối phương hơn, khiến nhiều chiến đấu cơ xuất kích từ tàu sân bay gặp khó khăn khi xâm nhập không phận địch.

Trong bối cảnh đó, tàu ngầm là loại vũ khí hữu dụng nhất để tiến hành trinh sát hoặc tấn công gần bờ biển đối phương. Những công nghệ giúp giảm độ ồn và hệ thống dò thủy âm cải tiến liên tục giúp tàu ngầm tiến hành các nhiệm vụ trinh sát ngầm khi tiến sát lãnh thổ đối phương hay có thể vòng ra sau tuyến phòng thủ của kẻ thù như ở các vùng ven biển, vùng nước nông hoặc các đảo ở Biển Đông, những khu vực mà tàu chiến mặt nước gặp nhiều khó khăn khi hoạt động.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG