Mỹ sẽ vạch kế hoạch hợp tác an ninh với Việt Nam

Chuẩn Đô đốc John Fuller (phải) và Phó đô đốc Phillip Sawyer dạo trên cảng Tiên Sa ngày 5/2. Ảnh: Nguyễn Thành.
Chuẩn Đô đốc John Fuller (phải) và Phó đô đốc Phillip Sawyer dạo trên cảng Tiên Sa ngày 5/2. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - Chuyến thăm Việt Nam của đoàn tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson giúp hai nước xây dựng thêm lòng tin với nhau, để trong trường hợp cần có thể nhờ cậy. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bàn với Việt Nam để vạch ra những kế hoạch hai bên có thể làm cùng nhau trong tương lai.

Đó là những điều được khẳng định trong cuộc họp báo quốc tế qua điện thoại do Trung tâm Báo chí châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ tổ chức ngày 6/3 để thảo luận về chuyến thăm Việt Nam của đoàn tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và quan hệ Việt - Mỹ. Cuộc họp báo có sự tham dự của Phó Đô đốc Phillip Sawyer thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, Chuẩn đô đốc John Fuller, Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM Mary Tarnowka cùng một số phóng viên Việt Nam và quốc tế, trong đó có PV Tiền Phong.

Cộng đồng quốc tế hưởng lợi từ sự ổn định khu vực

Chuyến thăm cho thấy mức độ hợp tác Việt-Mỹ trong lĩnh vực an ninh như thế nào?

Phó Đô đốc Phillip Sawyer: Ý nghĩa chuyến thăm của tàu Vinson đến Việt Nam lần này có 2 khía cạnh. Thứ nhất, nó thể hiện cam kết của chúng tôi. Theo Tuyên bố chung đưa ra nhân chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam năm 2017, chúng tôi sẽ đưa một tàu sân bay đến thăm Việt Nam. Đó là điều chúng tôi đã cam kết. Tôi nghĩ bản thân điều đó đã quan trọng vì nó giúp tạo dựng và thúc đẩy sự tin tưởng mà chúng tôi muốn nuôi dưỡng với một đối tác. 

Về kế hoạch tương lai, từ phía Hải quân, chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các đối tác Việt Nam và sẽ đưa ra những sáng kiến và lựa chọn có ý nghĩa với cả hai nước. Nhưng tôi nghĩ chắc chắn rằng chúng tôi đang trong tiến trình bình thường hóa, tiếp tục bình thường hóa quan hệ với Hải quân Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ mà chúng tôi đã có. Và như mọi người hôm nay đều nhấn mạnh, đó là vì mối quan hệ giữa con người với con người hơn là bất cứ điều gì khác. Vì thế, khi nói về những điều trong tương lai, phải công nhận rằng chúng tôi đã làm được khá nhiều thứ. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng mối quan hệ với người dân ở đây - thông qua chương trình Đối tác Thái Bình Dương và chương trình này sẽ được tiếp tục trong năm nay. Vì thế, tôi trông đợi sẽ được bàn bạc với các đối tác Việt Nam để thảo luận về những điều chúng ta có thể làm trong tương lai. 

 Mỹ có kế hoạch nào với Hải quân Việt Nam trong tương lai không?

Phó Đô đốc Sawyer:  Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận với Hải quân vùng 3, và sẽ có những cuộc thảo luận khác với Hải quân Việt Nam về những điều chúng tôi sẽ làm để tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác đang phát triển rất mạnh mẽ. Trong đầu tôi có rất nhiều ý tưởng muốn thảo luận với lãnh đạo Hải quân Việt Nam. Nhưng đó thực sự là con đường hai chiều. Tôi muốn bảo đảm rằng tôi hiểu điều gì là có lợi cho Hải quân Việt Nam, và điều gì chúng tôi có thể làm, rồi sau đó chúng tôi sẽ đưa ra những kế hoạch hoạt động hải quân. Vì thế, tôi không thể nói chính xác chúng tôi sẽ làm gì ngoài việc sẽ tiếp tục chương trình Đối tác Thái Bình Dương vào cuối năm nay. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục bàn về điều đó. Là một quân nhân chuyên làm việc trong tàu ngầm, như tôi đã nói trong cuộc họp báo hôm trước, tôi rất mong muốn được đưa một trong những tàu ngầm của Mỹ vào một cảng ở Việt Nam. Đó chắc chắn là một trong những điều tôi mong muốn sẽ xảy ra. 

Tổng lãnh sự Tarnowka: Tôi muốn nói thêm rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế đều hưởng lợi từ sự ổn định ở khu vực, đó là lý do chúng tôi rất muốn hợp tác với Cảnh sát Biển Việt Nam. Chúng tôi đã chuyển giao các trang thiết bị đáng kể cho Cảnh sát Biển Việt Nam. Đáng kể nhất là tàu tuần tra CSB8020, tàu tuần tra lớn nhất trong đội tàu của Cảnh sát Biển Việt Nam hiện nay. Chúng tôi cũng đã chuyển giao các tàu tuần tra dài 14m và một cơ sở bảo dưỡng và huấn luyện với một hệ thống vận chuyển tàu thuyền cho Vùng 2 mà tôi có vinh dự đến thăm năm ngoái. Và chúng tôi có kế hoạch tiếp tục cung cấp tàu và trang thiết bị tương tự lần lượt cho Vùng 4, 3, và 1, để nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho Cảnh sát Biển Việt Nam. Những con tàu và trang thiết bị này cùng với cơ hội trao đổi chuyên môn và huấn luyện cho thấy quan hệ hợp tác sâu sắc mà chúng tôi có được trong lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển, các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thảm họa trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển của Việt Nam. 

Các ông đánh giá như thế nào về năng lực của Cảnh sát Biển Việt Nam và Hải quân Việt Nam trong phối hợp với Hải quân Mỹ để đối phó tình huống khẩn cấp? 

Phó đô đốc Sawyer:  Tôi không thể bình luận điều gì về Cảnh sát Biển Việt Nam vì tôi không hiểu rõ họ. Điều tôi muốn nói là trong lúc chúng tôi tiếp tục xây dựng quan hệ này và khía cạnh con người với con người rất quan trọng. Lúc cần hỗ trợ, chúng tôi có thể tiếp cận và liên lạc với những người mà chúng tôi đã có quan hệ cá nhân trước đó. Điều đó giống như chúng tôi có thể sử dụng đại sứ quán của chúng tôi và Việt Nam có thể dùng đại sứ quán của họ. Đó là một phần lý do chúng tôi tiếp tục đến đây và thực hiện các hoạt động hợp tác hàng hải. Dù đó là chương trình Đối tác Thái Bình Dương, thăm kỹ thuật, trao đổi học thuật hay các chuyến thăm của tàu. Những hoạt động đó tạo nền tảng để giúp chúng tôi xây dựng thêm lòng tin với nhau, và trong trường hợp cần, chúng tôi có thể nhờ đến một người bạn hoặc một đồng minh. 

Khi tôi gặp Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, một trong những điều tôi nói là cảm ơn ông ấy về lá thư chia buồn mà ông ấy gửi cho chúng tôi sau vụ tai nạn của tàu John S. McCain. Điều đó thực sự cho thấy có một sự quan tâm chung giữa các hải quân và cộng đồng hải quân. 

Chuẩn đô đốc Fuller:  Tôi rất ấn tượng với sự chuyên nghiệp và lịch sự cũng như lòng tự hào mà chúng tôi thấy ở cả hai lực lượng biển khi chúng tôi đến Đà Nẵng. Vì thế, tôi rất ấn tượng và chờ đợi cơ hội làm việc với Hải quân Việt Nam trong tương lai.

Thiếu minh bạch gây lo ngại

Gần đây có báo cáo nói rằng Trung Quốc đã lắp đặt một hệ thống thu thập thông tin và cảm biến lớn nhất trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa nhằm thu thập thông tin tình báo. Báo chí cũng đưa tin rằng Trung Quốc gần như đã hoàn thành quá trình biến 7 cấu trúc ở Trường Sa thành căn cứ quân sự. Các ông có ý kiến gì?

Phó đô đốc Sawyer:  Tôi không rõ báo cáo mà bạn nói đến nên tôi không bình luận. Nhưng tôi  nghĩ điều bạn nói đến cũng là về quá trình bồi đắp đảo và quân sự hóa trên biển Đông. Quan điểm của tôi là quá trình bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa đều gây lo lắng ở khu vực. Và sự lo lắng đó rõ ràng là do thiếu minh bạch. Không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra ở đó. Và tôi nghĩ rằng sự lo lắng và thiếu minh bạch có tiềm năng đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực. 

Chúng tôi có mặt ở Phòng Thương mại Mỹ vào sáng nay và đã nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp đang ở Việt Nam. Họ đã nói đến việc các doanh nghiệp Mỹ đang gia tăng hoạt động kinh doanh này ở Việt Nam. Điều đó liên quan trực tiếp đến khả năng có thương mại tự do và không bị cản trở trên các vùng biển khắp thế giới. Vì thế, bất kỳ điều gì đi ngược lại điều đó cũng đều gây quan ngại cho cả khu vực. Chúng tôi có những lợi ích chung với Việt Nam. Chúng ta đều có niềm tin mạnh mẽ vào tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế. Chúng ta tin vào nền thương mại biển không bị cản trở. Và tôi nghĩ, nói chung, chính là sự lo lắng và thiếu minh bạch đang gây quan ngại trên khắp khu vực.

Hải quân Mỹ nhìn nhận như thế nào về việc Trung Quốc vừa tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng năm nay lên 8,1%?

Phó đô đốc Sawyer: Tôi không thể nói về ngân sách quốc phòng của nước nào đó. Điều tôi muốn nhấn mạnh lại là sự minh bạch. Thiếu minh bạch sẽ gây ra lo ngại. Và đó chắc chắn là điều đang xảy ra ở khu vực này. Và nó cũng có nguy cơ gây cản trở cho an ninh và ổn định cũng như dòng thương mại luân chuyển tự do ở khu vực. 

MỚI - NÓNG