Mỹ sắp thử nghiệm sát thủ săn ngầm lớn nhất thế giới

Ảnh đồ họa thiết kế và hoạt động của tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter. Ảnh đồ họa: DARPA
Ảnh đồ họa thiết kế và hoạt động của tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter. Ảnh đồ họa: DARPA
Hải quân Mỹ sẽ thử nghiệm trên biển tàu săn ngầm không người lái biệt danh Sea Hunter từ tháng 4 và kéo dài trong 18 tháng.

Sea Hunter (Thợ săn biển) do Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) phát triển thuộc dự án Tàu Tác chiến Chống ngầm Liên tục Không người lái (ACTUV). Tàu có chiều dài 40 m, được thiết kế theo kiểu trimaran 3 thân. Tàu có khả năng hoạt động độc lập mà không cần sự can thiệp của con người.

Nhiệm vụ chính của Sea Hunter là phát hiện, theo dõi tàu ngầm đối phương ở những vùng nước nông. Tàu có thể hoạt động độc lập từ 60 đến 90 ngày liên tục trên biển, cho phép tuần tra trên vùng biển rộng lớn để phát hiện, theo dõi, cung cấp vị trí mục tiêu cho các tàu chiến khác của Hải quân Mỹ tiêu diệt.

Mỹ sắp thử nghiệm sát thủ săn ngầm lớn nhất thế giới ảnh 1

Đồ họa thiết kế thủy động lực học của tàu sân ngầm không người lái Sea Hunter. Ảnh đồ họa: Công ty Leidos

Tạp chí National Defense dẫn lời Steve Walker, giám đốc DARPA cho biết, Sea Hunter sẽ làm lễ rửa tội vào tháng 4 tại nhà máy đóng tàu Vigor ở Oregon. Ngay sau đó, con tàu sẽ được thử nghiệm trên biển trong 18 tháng để kiểm tra, đánh giá khả năng theo dõi tầm xa của nó.

Trong quá trình thử nghiệm, DARPA sẽ hợp tác với Văn phòng Nghiên cứu Hải quân và Bộ chỉ huy Hệ thống tác chiến Hải quân và Không gian để cùng nhau đánh giá các vấn đề liên quan.

Phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 10/2, Steve Walker nói: “Hãy tưởng tượng một tàu mặt nước không người lái tuân thủ theo những quy tắc riêng và hoạt động cùng với các tàu có người lái và phương tiện không người lái dưới nước trên các vùng biển”.

Ông Walker cho biết thêm, Sea Hunter sẽ có chi phí hoạt động ít hơn so với các tàu chiến khác đang hoạt động với vai trò tương tự. Scott Littlefield, giám đốc Phòng Giải pháp Công nghệ của DARPA tiết lộ, chi phí hoạt động của Sea Hunter vào khoảng 15.000 đến 20.000 USD mỗi ngày. Trong khi đó, mỗi tàu khu trục tiêu tốn tới 700.000 USD/ngày.

Theo thông tin đăng trên trang web của DARPA, mục tiêu của chương trình ACTUV nhằm tạo ra một thiết kế tàu chiến vượt trội làm nền tảng cung cấp phương tiện kích thước nhỏ và chi phí thấp để chống lại tàu ngầm điện – diesel.

Ông Scott Littlefield giải thích thêm, lợi ích của Sea Hunter là có khả năng mang tải trọng cảm biến lớn, thời gian hoạt động liên tục cao hơn so với phương tiện săn ngầm không người lái cũ triển khai và thu hồi từ tàu mẹ. Nó có thể xuất phát từ cảng và trở về vị trí ban đầu nên không cần thiết kế thêm hệ thống tích hợp với tàu mẹ, giúp giảm chi phí.

Chương trình ACTUV là một phần trong “Chiến lược Bù đắp thứ 3” giúp duy trì ưu thế quân sự của Mỹ so với các đối thủ cạnh tranh như Nga, Trung Quốc.

Theo Theo Zing.vn
MỚI - NÓNG