Theo Bloomberg, các biện pháp trừng phạt được áp dụng vào thứ Năm nhằm vào 12 cá nhân người Nga, trong đó có các quan chức tình báo và quan chức chính phủ, cùng 20 thực thể khác với cáo buộc can thiệp bầu cử và liên quan tới vụ tấn công hệ thống năng lượng SolarWinds. Ngoài ra, 10 quan chức và nhà ngoại giao Nga cũng có thể bị trục xuất khỏi Mỹ.
Các biện pháp trên được đưa ra nhằm đáp trả một vụ vi phạm an ninh mạng ảnh hưởng đến phần mềm do SolarWinds sản xuất, cho phép tin tặc truy cập vào hàng nghìn công ty và văn phòng chính phủ sử dụng phần mềm này.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng có ý định trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Trong một báo cáo vào tháng trước, các cơ quan tình báo Mỹ cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã chỉ đạo các nỗ lực cố gắng xoay chuyển cuộc bầu cử.
Nga đã bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ về việc nước này có tham gia vào cuộc tấn công mạng ở Mỹ thông qua phần mềm SolarWinds đồng thời phủ nhận cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Kênh 1 truyền hình Nga ngày 14/4, khi được yêu cầu bình luận về khả năng Mỹ áp đặt thêm lệnh trừng phạt Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết kế hoạch này sẽ cho thấy sự khác biệt giữa lời nói và hành động từ phía Mỹ.
Hiện Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Tài chính Hoa Kỳ vẫn chưa có bình luận gì về vấn đề trên.
Trước đó vào hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Trong cuộc điện đàm này, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đề nghị xem xét khả năng có một cuộc gặp trực tiếp trong tương lai gần. Nếu được tổ chức, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Biden và ông Putin.