Mỹ phân vân với chiến dịch 'vắt kiệt' Iran

Cờ Iran bên ngoài tòa nhà của Liên Hợp Quốc, nơi tọa lạc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ảnh: AP
Cờ Iran bên ngoài tòa nhà của Liên Hợp Quốc, nơi tọa lạc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ảnh: AP
TP - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải tính toán xem có nên gây thêm căng thẳng quốc tế bằng cách kết thúc một trong những điều khoản cuối cùng của thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran hay không. 

Trước thứ 5 tuần này, chính quyền Trump sẽ phải quyết định có hủy hay gia hạn miễn trừ cho các công ty Trung Quốc, Nga và châu Âu hợp tác với Iran trong phát triển cơ sở hạt nhân dân sự hay không. AP dẫn lời một số quan chức Mỹ nói rằng về nguyên tắc thì thời gian miễn trừ sẽ hết hạn vào tuần này, nhưng cũng có thể được gia hạn thêm 90 ngày để các công ty sắp xếp hoạt động của họ.

Chấm dứt miễn trừ sẽ là bước đi hợp logic tiếp theo trong chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ. Cách làm này được những đồng minh trong quốc hội của ông Trump ủng hộ vì muốn có cách tiếp cận cứng rắn với Iran. Nhưng điều này cũng sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng với Iran và một số nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Thực tế là chính quyền Mỹ đang chia rẽ về vấn đề này nên đã hoãn ra quyết định hai lần. Đây là một trong hàng loạt tín hiệu lẫn lộn mà ông Trump gửi đến Iran, gây nhầm lẫn cho cả những người ủng hộ và phản đối ông rằng thực sự nhà lãnh đạo Mỹ đang muốn đạt được điều gì trong cuộc đối đầu với Iran.

Một số người cho rằng tín hiệu lẫn lộn đó có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang, trong bối cảnh Mỹ đang tập trung lực lượng và vũ khí đến vùng Vịnh.

“Sẽ luôn có vấn đề khi bạn thiếu một chính sách nhất quán, vì bạn sẽ dễ bị thao túng và những tín hiệu lẫn lộn tạo ra môi trường cho những tính toán nguy hiểm”, AP dẫn lời ông Karim Sadjadpour, một chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu hòa bình Carnegie. “Ông Trump vừa tạo ra một vòng xoáy căng thẳng với Iran vừa nói với Iran rằng ông ấy không muốn xung đột”, ông Sadjadpour nói.

Gương mặt đại diện của chiến dịch gấy sức ép là Ngoại trưởng Mike Pompeo, và ông gạt bỏ ý kiến cho rằng chiến dịch của Mỹ hiện nay không nhất quán. “Mỹ có một chiến lược mà chúng tôi tin rằng sẽ có tác dụng. Chúng tôi sẽ tước bỏ của Iran tài sản để xúi giục khủng bố trên khắp thế giới và xây dựng chương trình hạt nhân”, ông Pompeo nói tuần trước.

Những người phản đối cho rằng việc gia hạn miễn trừ sẽ giúp Iran tiếp cận công nghệ có thể dùng để chế tạo vũ khí. Còn những người ủng hộ cho rằng việc miễn trừ sẽ cho phép các chuyên gia quốc tế có cơ hội tốt để tiếp cận chương trình hạt nhân của Iran, và một khía cạnh của việc gia hạn này sẽ cho phép sử dụng các đồng vị phóng xạ vào mục đích nhân đạo. Còn ông Trump có vẻ lưỡng lự, rằng có thể đi theo một trong hai cách.

Bên cạnh đó, ông Trump còn ủng hộ Thượng nghị sĩ Rand Paul trở thành phái viên sẽ gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vào giữa tháng này trong một nỗ lực hoà giải với Tehran.

Sự lưỡng lự đó khiến những người cứng rắn trong chính quyền như ông Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton khó xử. Ông Bolton lâu nay được cho là người ủng hộ hành động quân sự với Iran, với mục tiêu thay đổi chế độ ở Tehran, còn ông Pompeo, dù có thể đồng ý với mục tiêu này, nhưng sẽ nhạy cảm hơn trước kiểu lẫn lộn của ông Trump.

“Ông Pompeo đang cố dàn xếp các mâu thuẫn, bằng cách tập trung vào phương tiện thay vì kết thúc ở các biện pháp cấm vận. Nhưng thay vì làm sáng tỏ, ông Trump lại gây thêm lẫn lộn khi ủng hộ ý tưởng để ông Rand Paul làm phái viên”, ông Sadjadpour nói. Điều này sẽ mở cho Iran một cơ hội mà họ sẽ cố tận dụng, ông Sadjadpour nhận định.

Những mâu thuẫn đó cũng gây bất an ở cả châu Âu và châu Á, những nơi Mỹ đang nỗ lực tập hợp ủng hộ để lập một liên minh quân sự nhằm bảo vệ các tàu đi qua Vịnh Ba Tư.

MỚI - NÓNG