Xuất hiện tại phiên điều trần ngày 28/2 của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Chính sách Colin Kahl đã được hỏi về thỏa thuận hạt nhân hiện không còn tồn tại với Iran.
“Tiến bộ hạt nhân của Iran kể từ khi chúng tôi rời khỏi JCPOA là rất đáng chú ý”, ông Kahl nói, đề cập đến tên viết tắt của thỏa thuận hạt nhân năm 2015. “Hồi năm 2018, khi chính quyền tiền nhiệm quyết định rời khỏi JCPOA, Iran mất khoảng 12 tháng để sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho một quả bom. Bây giờ họ chỉ mất khoảng 12 ngày.”
Trước đó, các quan chức Mỹ đã nhiều lần ước tính khoảng thời gian mà Iran cần để sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho một quả bom là “khoảng vài tuần”, nhưng chưa bao giờ đưa ra một mốc thời gian cụ thể như ông Kahl đề cập.
Theo một báo cáo mật của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), các thanh sát viên được cho là đã phát hiện ra dấu vết của các “hạt” uranium được làm giàu tới 83,7% tại cơ sở hạt nhân Fordo dưới lòng đất của Iran. Tuy nhiên, họ không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy Tehran thực sự dự trữ nó – phù hợp với lời giải thích của các quan chức Iran.
Trong khi các quan chức và báo giới Mỹ tuyên bố Iran đã tiến bộ đáng kể trong việc sản xuất vật liệu phân hạch, thì Lầu Năm Góc được cho là không tin rằng Tehran có đủ công nghệ để thực sự chế tạo một quả bom hạt nhân.
Thỏa thuận, có tên chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Thỏa thuận được ký kết bởi Iran, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp, Đức, Anh và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận và đơn phương áp đặt lại các biện pháp trừng phạt Iran.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cố gắng khôi phục thỏa thuận, nhưng không sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran. Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ từ tháng 8/2022.