Mỹ lo Triều Tiên sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân, tên lửa xuyên lục địa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Washington lo ngại rằng các vụ thử tên lửa liên tục của Triều Tiên từ đầu năm đến nay có thể là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ sớm nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Mỹ lo Triều Tiên sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân, tên lửa xuyên lục địa ảnh 1

Người dân Seoul (Hàn Quốc) theo dõi thông tin về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Ảnh: AP

Phát biểu hôm 30/1, một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Tổng thống Joe Biden xác nhận Washington coi việc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa trong vòng một tháng vừa qua là dấu hiệu leo thang căng thẳng.

“Chúng tôi rõ ràng không muốn họ tiếp tục thử nghiệm. Chúng tôi đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế”, quan chức này nói. “Chắc chắn sẽ có hành động đáp trả. Chúng tôi sẽ thực hiện một số bước để thể hiện cam kết với các đồng minh, và chúng tôi cũng đồng thời nhắc lại lời kêu gọi ngoại giao".

Các vụ thử vũ khí của Triều Tiên được coi là “cơn đau đầu” đối với chính quyền Tổng thống Biden trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách giải quyết căng thẳng ở Đông Âu và đối phó với Trung Quốc.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Washington đã nhiều lần tìm cách đàm phán với Triều Tiên nhưng đều bị từ chối. Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức một số hội nghị thượng đỉnh với người tiền nhiệm của ông Biden, Donald Trump, nhưng các cuộc hội đàm không hiện thực hóa yêu cầu của ông Kim về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Mặc dù thúc giục đối thoại, Washington vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc làm điều tương tự.

Nhưng mới đây nhất, vào ngày 20/1, Trung Quốc và Nga trì hoãn nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để trừng phạt 5 người Triều Tiên.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thể đảm bảo sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga đối với các lệnh trừng phạt trong tương lai hay không, quan chức trên cho biết: “Tôi tin rằng họ hiểu rõ trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an để đảm bảo rằng các nghị quyết của Hội đồng được thực thi, và để Hội đồng thực hiện trách nhiệm thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực".

Vụ phóng hôm Chủ nhật đánh dấu vụ thử tên lửa thứ 7 của Triều Tiên trong năm nay, đồng thời là vụ thử vũ khí lớn nhất của Bình Nhưỡng kể từ sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hồi tháng 11/2017.

Mỹ lo Triều Tiên sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân, tên lửa xuyên lục địa ảnh 2

Hình ảnh từ vụ phóng ngày 30/1. Ảnh: Yonhap

Giới quan sát Hàn Quốc lo ngại Triều Tiên có thể sẽ sớm vô hiệu hóa “quyết định ngưng thử nghiệm vũ khí chiến lược” mà nước này tự đặt ra vào tháng 4/2018 để khởi động đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Đầu tháng này, Bình Nhưỡng cho biết có thể sẽ “xem xét tái khởi động tất cả các hoạt động đang tạm thời bị đình chỉ”, dường như ám chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Triều Tiên ngày 31/1 xác nhận nước này đã phóng thử tên lửa đạn đạo “tầm trung - xa” Hwasong-12 trước đó một ngày.

Bình Nhưỡng cho biết vụ phóng được tiến hành nhằm “đánh giá loại tên lửa đang được sản xuất - triển khai, cũng như xác minh độ chính xác tổng thể của hệ thống vũ khí”.

Hình ảnh được hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố cho thấy tên lửa Hwasong-12 được phóng từ bệ phóng di động (TEL).

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Hwasong-12 có tầm bắn ước tính lên tới 4.500km, có thể đưa đảo Guam của Mỹ và cực tây của chuỗi quần đảo Aleutian của Alaska vào tầm ngắm.

Để so sánh, tên lửa lớn nhất, mạnh nhất mà Triều Tiên từng thử nghiệm là ICBM Hwasong-15, với tầm bắn ước tính 8.500–13.000 km, có thể đe dọa bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ, CSIS cho biết.

Theo Reuters, Yonhap
MỚI - NÓNG