Mỹ hụt hơi trước kỹ thuật chế tạo bom của IS

Thủ đoạn đánh bom khủng bố của IS ngày càng tinh vi, trong khi lực lượng đối phó của Mỹ bị cắt giảm nặng nề về quân số và ngân sách.

Các vụ xả súng và đánh bom tự sát ở Paris hôm 13/11 đã gây bất ngờ cho các cơ quan hành pháp trên thế giới trước sự manh động và khả năng chế tạo, sử dụng thuốc nổ của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), theo DefenseOne.

Các điều tra viên Pháp đã phát hiện ra rằng những kẻ khủng bố sử dụng thuốc nổ TATP, một hỗn hợp nổ rất dễ chế tạo từ những nguyên liệu có thể mua được ở hiệu thuốc, để nhồi vào đai bom của mình, gây ra những vụ đánh bom tự sát đẫm máu.

Mỹ hụt hơi trước kỹ thuật chế tạo bom của IS ảnh 1

Cảnh sát Pháp tham gia chiến dịch đột kích truy lùng nghi phạm khủng bố ở Paris. Ảnh: Reuters.

Theo trung tướng Michael Shields, chỉ huy Cơ quan Ứng phó Thiết bị nổ cải tiến liên quân (JIDA) thuộc Lầu Năm Góc, đây chỉ là sự cải tiến mới của những kẻ chế tạo bom nhiều kinh nghiệm của IS. Viên tướng này cũng tiết lộ một thực tế rằng JIDA đang có dấu hiệu "hụt hơi" và phải dựa vào lực lượng an ninh Iraq để có thể bắt kịp với khả năng chế bom của phiến quân.

Trong cuộc phỏng vấn với các phóng viên ở căn cứ Fort Belvoir cuối tuần trước, Shields đã mô tả IS là đội quân chuyên sử dụng chất nổ để gây ra sát thương cao hơn những tay súng thông thường. Ông cho biết nhóm khủng bố này "rất có tổ chức" trong quá trình chế tạo bom, và có thể chế tạo các thiết bị nổ cải tiến (IED) trên quy mô công nghiệp.

"Đây không phải là một nhóm phiến quân sử dụng IED để tạo hiệu ứng khủng bố. Chúng sử dụng chất nổ với số lượng lớn để cô lập và hình thành không gian chiến trường, gần như ở mọi giai đoạn tác chiến, thậm chí bố trí cả lính bắn tỉa để ngăn chặn lực lượng dò gỡ IED", tướng Shields cho hay.

Cũng theo viên tướng này, thực tế trên đòi hỏi các lực lượng an ninh phải thay đổi cách xử lý mối đe dọa từ IED. "Giờ đây chúng tôi không đơn giản là cử một đội rà phá đến xử lý IED nữa, mà phải phối hợp với các lực lượng vũ trang khác để đảm bảo an toàn trước các tay súng bắn tỉa", ông nói.

Tướng Shields cho biết với kỹ thuật của mình, IS giờ đây có thể biến những chiếc ôtô bình thường thành những "tên lửa dẫn đường chính xác".

"Hãy tưởng tượng một chiếc xe chứa đầy các thiết bị nổ cải tiến do một kẻ đánh bom tự sát lái, đóng vai trò như một vũ khí dẫn đường chính xác, và IS có khả năng chế tạo hàng chục vũ khí như vậy chỉ trong một vụ tấn công", ông nói.

Mỹ hụt hơi trước kỹ thuật chế tạo bom của IS ảnh 2

Các điều tra viên Pháp xem xét hiện trường vụ nổ sau cuộc đột kích ở Paris. Ảnh: AFP.

Người đứng đầu JIDA cho hay ngoài việc dùng xe bom, IS đã phát minh ra nhiều biện pháp mới để thực hiện các vụ tấn công bằng thuốc nổ, chẳng hạn như lợi dụng công tắc điện trong các ngôi nhà để gài bẫy nổ, sử dụng các cảm biến chuyển động chống tháo gỡ.

"Những công nghệ này không quá phức tạp, nhưng việc sử dụng kết hợp nhiều loại tạo ra hiệu ứng rất lớn. Chúng không phải là thứ mà chúng tôi từng đối phó trước đây", tướng Shields thừa nhận.

Hụt hơi

Theo tướng Shields, nỗ lực của JIDA nhằm giám sát khả năng chế tạo bom của IS đang gặp nhiều trở ngại và có dấu hiệu "hụt hơi" do sự hiện diện hạn chế của quân đội Mỹ tại Iraq. JIDA hầu như phải dựa vào an ninh Iraq để bắt kịp với kỹ thuật chế bom của phiến quân.

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, quân đội Mỹ chỉ còn một nhóm nhỏ chuyên gia tại nước này sử dụng thiết bị do JIDA thiết kế để theo dõi chiến thuật và kỹ thuật chế bom mới của IS. Bởi vậy, JIDA đang huấn luyện và trang bị cho lực lượng an ninh Iraq để báo cáo và phân tích các cuộc tấn công bằng thuốc nổ do IS gây ra.

JIDA đã thiết kế Hệ thống Hỗ trợ và Cố vấn Ảo (VAA), với nền tảng là các máy tính bảng giúp lực lượng an ninh Iraq chụp ảnh dấu vết hiện trường sau vụ nổ, sau đó gửi cho chuyên gia của Mỹ hoặc liên quân để phân tích thêm.

Mỹ hụt hơi trước kỹ thuật chế tạo bom của IS ảnh 3

Một chuyên gia dò gỡ thiết bị nổ cải tiến của JIDA. Ảnh: JIDA.

Việc sử dụng hệ thống VAA có thể giúp các chuyên gia phân tích phát hiện và phân loại kịp thời các thiết bị IED mới, từ đó xác định công nghệ để có thể phát hiện và vô hiệu hóa chúng. Tuy nhiên, hệ thống này mới chỉ được áp dụng thử nghiệm ở Iraq, Afghanistan và châu Phi, chưa được trang bị rộng rãi cho các binh sĩ bản địa.

Dù có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại chiến thuật khủng bố bằng bom của IS, JIDA lại đang bị cắt giảm đáng kể về nhân lực và kinh phí trong vài năm qua. Ngân sách dành cho cơ quan này bị cắt giảm từ 4 tỷ USD xuống còn 500 triệu USD trong năm 2015, và quân số cũng chỉ còn một phần ba.

"Trong bất cứ hoàn cảnh nào, JIDA vẫn chứng tỏ được tầm quan trọng của mình, bởi mối đe dọa bằng chất nổ của các phần tử khủng bố vẫn luôn hiện hữu, và vụ thảm sát ở Paris là minh chứng rõ nhất cho điều đó", biên tập viên Patrick Tucker của DefenseOne nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG