Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cho cá tra Việt Nam

TPO - Mức thuế cuối cùng áp dụng cho một số doanh nghiệp đã tham gia trả lời bản câu hỏi và hợp tác với Bộ Thương mại Mỹ lần này là 0,15 USD/kg. Đây là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 20/4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 đến 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra-basa của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Mỹ.

Cụ thể, mức thuế cuối cùng áp dụng cho một số doanh nghiệp (DN) đã tham gia trả lời bản câu hỏi và hợp tác với DOC là 0,15 USD/kg (tương ứng khoảng 3,8% giá XK). Còn các DN không hợp tác sẽ nhận mức thuế 2,39 USD/kg. Như vậy, mặc dù thuế cho các DN không hợp tác giữ nguyên so với POR14, nhưng mức thuế dành cho các DN hợp tác đã giảm đi đáng kể, lần này (POR15) là 0,15 USD/kg so với đợt trước (POR14) là 1,37 USD/kg.

Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cho cá tra Việt Nam ảnh 1 Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Đây là thông tin tích cực đối với các DN XK cá tra-basa của Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự kiến sẽ tác động đến ngành nuôi cá trong nước. Ngoài ra, hầu hết các DN XK cá tra lớn của Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế 0%.

Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam từ năm 2003 và các năm đều tiến hành rà soát mức thuế áp dụng. Hiện DOC đang tiến hành rà soát POR16, Bộ Công Thương khuyến nghị các DN XK liên quan của Việt Nam cần xem xét tham gia hợp tác, cung cấp thông tin, dữ liệu chính xác, đầy đủ để DOC có căn cứ đánh giá, phân tích, tránh nguy cơ bị sử dụng thông tin sẵn có do kê khai thiếu thông tin trong bản trả lời câu hỏi.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các DN XK liên quan có các hành động cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngành cá tra của Việt Nam.

Theo VASEP, ba tháng đầu năm nay, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới XK cá tra Việt Nam sang nhiều thị trường, tổng giá trị XK cá tra quý I/2020 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực đã trở lại từ tháng 3 khi ghi nhận giá trị XK cá tra sang hai thị trường lớn là Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ tăng trưởng khá tốt. Trong đó, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông tháng 3/2020 đã tăng đến 109% so với tháng 1/2020.

Quý I/2020, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 63,2 triệu USD, chiếm 18,9% tổng giá trị XK cá tra và vượt qua Mỹ để trở lại là thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt. Mặc dù vẫn giảm 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái, song đây là mức XK lạc quan so với những ngày đầu năm. Dự báo trong quý II/2020, XK cá tra sang thị trường này sẽ khôi phục mạnh và tăng từ 30-40% so với cùng kỳ 2019.

Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cho cá tra Việt Nam ảnh 2 Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ

Còn XK cá tra sang Mỹ tháng 3/2020 đạt 23 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ 2019. Ba tháng đầu năm 2020, giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 61,7 triệu USD, chiếm 18,5% tổng XK cá tra. Mặc dù vẫn giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã cho thấy phản ứng tích cực từ thị trường này.

Trong khi đó, XK cá tra sang thị trường EU đạt gần 36,5 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cạnh đó, XK cá tra sang các thị trường lớn khác như ASEAN, Brazil, Mexico, Colombia, Australia vẫn giảm mạnh.

Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL từ tháng 2 đến nay vẫn dao động mức 18.000-18.500 đồng/kg, vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và ở mức giá này người nuôi vẫn lỗ trên 3.000 đồng/kg.

Do tình hình một số thị trường XK đang tạm lắng, cộng với hạn hán và xâm nhập mặn khiến cả nhà máy và người dân giảm thả nuôi, sản lượng thu hoạch sắp tới có thể giảm, song đây là điều kiện để giá cá tra nguyên liệu có thể tăng. Mặt khác, tín hiệu lạc quan đang trở lại ở một số thị trường lớn, hy vọng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, XK trở lại trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG