Mỹ dừng đánh Syria nếu giao nộp vũ khí hóa học
> Mỹ thừa nhận chưa đủ bằng chứng
> Nga khuyên Syria giao nộp vũ khí hóa học
TPO-Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ sẵn sàng dừng chiến dịch quân sự chống Syria với điều kiện chính quyền ông Assad giao toàn bộ vũ khí hóa học của nước này dưới quyền kiểm soát quốc tế.
Bước ngoặt bất ngờ
Đề xuất của Nga mặc dù có rất nhiều khó khăn trở ngại trong thực hiện, không những ngăn chặn khả năng tấn công quân sự, mà còn tạo điều kiện cho Nhà Trắng thoát khỏi vụ bê bối thảm họa trong ngày bỏ phiếu thông qua nghị quyết về vấn đề Syria của quốc hội Mỹ.
Bước ngoặt hoàn toàn bất ngờ trong vấn đề Syria xuất hiện vào thứ hai. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã kêu gọi Damascus chuyển giao vũ khí hóa học sang nằm dưới quyền kiểm soát của các tổ chức quốc tế, đàm phán về vấn đề tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học và tham gia vào tổ chức cấm phổ biến vũ khí hóa học. Chính quyền Syria ngay lập tức tuyên bố đồng ý.
Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố với CNN: "Điều này không giải quyết được cuộc xung đột đẫm máu nội bộ Syria. Nhưng nếu chúng ta đạt được mục tiêu cụ thể đề ra này, điều đó thật sự rất tốt đối với tôi”. Thời điểm này, uy tín về đối ngoại chính trị của ông Obama đã giảm xuống đến mức kỷ lục.
9 ngày trước khi tổng thống Mỹ tuyên bố sẵn sàng giải quyết vấn đề vũ khí hóa học ở Syria bỏ qua sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, ông yêu cầu sự cho phép của Quốc hội được sử dụng lực lượng quân sự. Nhưng bất chấp các cuộc tham vấn diễn ra hàng ngày, Nhà Trắng đến nay vẫn không đạt được đủ số lượng người ủng hộ trong các nghị sĩ. Người dân thường Mỹ đã quá mệt mỏi, chán ngán với những cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq cũng không đồng tình ủng hộ.
Cơ hội của một giải pháp hòa bình
Moscow ngày 9/9 đã kêu gọi những người ủng hộ giải pháp quân sự chống lại Damascus khai thác thỏa thuận về việc chuyển giao vũ khí hóa học của Syria sang dưới sự kiểm soát của quốc tế như một cơ hội cho một giải pháp chính trị giải quyết vấn đề Syria.
«Thỏa thuận chuyển giao vũ khí hóa học nằm dưới quyền kiểm soát của các tổ chức quốc tê có thể trở thành cơ hội tìm kiếm giải pháp chính trị giải quyết vấn đề Syria. Để làm được điều này cần có một ý chí và quyết tâm chính trị đồng nhất từ tất cả các bên, trước hết là những người cho đến ngày nay vẫn đang nỗ lực phát triển những kịch bản quân sự”- Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Gennady Gatilov phát biểu.
Những phản hồi ban đầu từ phía Washington rất kiềm chế. Người phát ngôn của Nhà Trắng và của Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đang nghiên cứu kỹ các đề nghị, nhưng nghi ngờ về tính khả thi và triển vọng của đề xuất. “Chúng tôi đã có tuyên bố của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga và trả lời của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Syria. Chúng tôi đang nghiên cứu và tiếp xúc hội đàm cùng với người Nga và các bên về nội dung sáng kiến này, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục gây áp lực lên chính thể Assad và vẫn triển khai thực hiện các hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh, bởi chính điều này mới dẫn đến một đề xuất hiệu quả”- Phát ngôn viên Nhà Trắng ông Jay Carney tuyên bố.
Tạm dừng chiến dịch trừng phạt
Tổng thống Obama khi phát biểu trả lời phỏng vấn của các kênh truyền hình ngày 9/9 đã tỏ ý đồng tình với đề xuất của Nga. Trả lời câu hỏi của kênh truyền hình ABC, có thể tạm dừng cuộc tấn công trừng phạt vào Syria trong điều kiện chuyển giao vũ khí hóa học dưới quyền kiểm soát của quốc tế, tổng thống Mỹ trả lời: “Tất nhiên, nếu như điều đó thực sự xảy ra. Chúng tôi sẽ thực hiện điều này bằng phương pháp ngoại giao. Tôi vô cùng hy vọng vấn đề Syria có thể được giải quyết bằng giải pháp hòa bình”.
Nhưng ông Obama vẫn nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh thảo luận vấn đề tấn công Syria, để họ (chính quyền Syria) hiểu rằng chúng ta phát biểu rất nghiêm túc và cứng rắn về vấn đề này. Ông tuyên bố ủng hộ đề xuất của Nga thu hồi và loại bỏ vũ khí hóa học của chính quyền Syria, nhưng Mỹ cần có câu trả lời nhanh và chính xác về tầm quan trọng và tính khả thi của đề xuất của Nga. Theo ông, cần phải nói thẳng thỏa thuận chỉ là tạm thời, trong tương lai vũ khí hóa học phải được đưa ra khỏi Syria và bị tiêu hủy.
Gần như đồng thời với bài phát biểu của tổng thống Mỹ, thượng nghị sĩ, lãnh đạo của đại đa số các dân biểu thuộc đảng Dân chủ Harry Reid đã tuyên bố quyết định không tham gia bỏ phiếu nghị quyết về can thiệp vũ trang vào Syria.
Tờ New York Times nhận xét ý tưởng của Nga đã cho ông Obama một cơ hội tránh được sự thất bại khi quốc hội bỏ phiếu chống kế hoạch can thiệp quân sự của ông. Một thất bại trong nỗ lực dành được sự ủng hộ của quốc hội có thể dẫn đến sự mất mặt của tổng thống không những trên trường quốc tế, mà ngay cả trong lĩnh vực chính trị đối nội.
Triển vọng có được sự ủng hộ tấn công quân sự hoàn toàn không lạc quan đối với chính quyền Obama. Theo thống kê của tờ Washington Post, ở Thượng viện để có được sự ủng hộ can thiệp quân sự cần 51 phiếu, nhưng đến hiện nay tuyên bố ủng hộ mới giới hạn ở 25 người, chống là 33 người, chưa xác định quan điểm 42 người. Tại Hạ việ cần 218 phiếu ủng hộ, nhưng với giải pháp can thiệp vũ trang Syria chỉ có 26, 161 người chưa rõ quan điểm và 246 người tuyên bố không ủng hộ. Những người được hỏi cho biết, đại đa số áp đảo người Mỹ chống can thiệp vũ trang vào xung đột ở Syria, mặc dù chính quyền cho rằng đó không phải là chiến tranh, chỉ là một cuộc tấn công vũ trang có giới hạn và phi tiếp xúc. Ông Obama thừa nhận khi trả lời phỏng vấn kênh NBC rằng vợ ông, bà Michelle cũng phản đối.
Một kết quả thống kê rất thất vọng được công bố hôm 9/9 của kênh truyền hình CNN và hãng ORC: Chính sách đối ngoại hiện nay của tổng thống Mỹ chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ 40%, 57% đánh giá là không đạt yêu cầu. Đây là một kết quả thấp tồi tệ về sự ủng hộ ông Obama về vấn đề được nêu trong toàn bộ lịch sử những lần lấy nhận xét ủng hộ các lãnh đạo cao cấp, được tiến hành bởi kênh CNN. Cụ thể hơn về vấn đề Syria, chỉ có 31% người được hỏi ủng hộ chính sách ông Obama, 63% không hài lòng và bất bình.
Sáng kiến mới có thể giải quyết vấn đề vũ khí hóa học đã giúp Nhà Trắng phá vỡ được bế tắc khi quyết định tạm dừng chiến dịch quân sự. Sự rõ ràng trong các kế hoạch của Washington sẽ được công bố vào buổi chiều mai 10.9, khi ông Obama phát biểu trước toàn thể người dân Mỹ. Ban ngày ông Obama sẽ có những buổi gặp riêng với các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ, tuyên bố sẽ được tiến hành vào lúc 21h giờ địa phương.
Các nhà bình luận không đồng nhất quan điểm về triển vọng trong đề xuất của Nga. Giám đốc Viện Kennan ở Washington, DC Matthew Rojansky tin rằng sáng kiến của Moscow không có ảnh hưởng đến những tính toán của tổng thống Mỹ. Ông vẫn cho rằng chính quyền ông Obama sẽ tìm được cách để thuyết phục quốc hội đồng thuận và ra nghị quyết tấn công Syria. Người Nga không thể là giải pháp để cứu vãn uy tín tổng thống Mỹ.
Ông Michael Lynch, chủ tịch hãng "Nghiên cứu chiến lược nguồn Năng lượng và phát triển Kinh tế" cho rằng đề nghị của Nga đã thọc gậy vào bánh xe của cỗ máy chiến tranh Mỹ đang khởi động. Có thể có cơ hội tạm dừng cuộc can thiệp vũ trang do Mỹ phát động, hoặc có cơ hội ngăn chặn cuộc tấn công nguy hiểm này.
Như vậy, từ một câu phát biểu lỡ lời của ông Kerry, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã phát triển thành một đề xuất có tính khả thi nhằm giải quyết triệt để vấn đề Syria trên trường quốc tế. Ít nhất, thế giới sẽ có một tia hy vọng le lói rằng cỗ máy chiến tranh Mỹ sẽ tạm dừng, và một thảm họa nhân đạo mới có thể sẽ không trút xuống đầu người dân Syria.
Trịnh Thái Bằng
Theo RIA Novosti, Peter Martynychev