Mỹ đã sẵn sàng triển khai chiến lược mới với châu Á

Mỹ khẳng định Ấn Độ có thể đóng vai trò lớn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2017 ở Philippines. Ảnh: PTI.
Mỹ khẳng định Ấn Độ có thể đóng vai trò lớn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2017 ở Philippines. Ảnh: PTI.
TP - Trong buổi gặp gỡ báo chí hôm 2/4, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Alex Wong, giải thích hàm ý của chính quyền Mỹ khi đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chiến lược được hình thành và thực hiện trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Wong cho biết, năm đầu tiên của chính quyền Trump là năm quan trọng về chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngay cả trước khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã có mối quan hệ sâu sắc với các lãnh đạo đồng minh của Mỹ trong khu vực. Ông đã tiếp đón một số lãnh đạo tại Mar-a-Lago và thực hiện các chuyến thăm cấp nhà nước. Mỹ đã cử nhiều quan chức chính phủ đến khu vực, rồi kết thúc năm 2017 bằng chuyến đi lịch sử của Tổng thống đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong chuyến đi này, ông Trump đã trình bày khái niệm về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng trong bài phát biểu của ông tại Đà Nẵng.

“Tự do” và “mở rộng”

Nhìn lại năm đầu tiên, Mỹ thực sự xem đây là năm giới thiệu khái niệm chiến lược. Còn năm thứ hai, thứ ba và thứ tư của ít nhất nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump sẽ thực sự là những năm hình thành và thực hiện chiến lược, ông Wong nói. Về hàm ý của chiến lược này, ông Wong giải thích về “tự do” và “mở rộng”. Về khái niệm “tự do”, ông Wong nói rằng, Mỹ trước hết muốn nói đến vùng bay quốc tế. Mỹ muốn các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không bị ép buộc, rằng họ có thể theo đuổi theo cách có chủ quyền những lộ trình họ muốn trong khu vực. Thứ hai, Mỹ muốn xã hội của các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác nhau được tự do hơn về quản lý, về quyền hạn cơ bản, về minh bạch và chống tham nhũng.

Còn khái niệm “rộng mở”  trước tiên và trên hết là giao thông đường biển và hàng không mở rộng. Giao thông đường biển mở rộng thực sự là nguồn sống của khu vực. Khi 50% thương mại thế giới đi qua các tuyến đường biển trên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là biển Đông, đường biển và đường hàng không mở rộng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang dần trở nên thiết yếu và quan trọng cho thế giới.

Thứ hai, Mỹ muốn hậu cần - cơ sở hạ tầng mở rộng hơn. Hiện vẫn còn khoảng cách về cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cần điều gì để khuyến khích hội nhập khu vực tốt hơn, khuyến khích phát triển kinh tế mạnh hơn? Mỹ muốn giúp khu vực phát triển cơ sở hạ tầng theo cách phù hợp, cơ sở hạ tầng thực sự hội nhập và tăng GDP của các nền kinh tế, chứ không phải chèn ép họ. Với chiến lược mới, Mỹ cũng muốn đầu tư mở rộng hơn. Ông Wong nói rằng, Mỹ từ lâu đã ủng hộ môi trường đầu tư mở rộng hơn, cấu trúc luật lệ minh mạch hơn, để khu vực không chỉ mở rộng cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ mà còn cho người dân, nhà cải cách, doanh nghiệp bản xứ có thể tận dụng môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển kinh tế khắp khu vực.

Hàm ý của chiến lược mới cũng là thương mại mở rộng cửa hơn. Thương mại tự do, công bằng và có đi có lại là điều mà Mỹ đã ủng hộ hàng thập kỷ qua và chính quyền Trump cũng ủng hộ, ông Wong nói. Với những giải thích như vậy, ông Wong nói rằng Mỹ thực sự đã theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng cửa trong khu vực trong ít nhất 70 năm, kể từ Thế Chiến II. Tuy nhiên, chiến lược mới có hai điều khác biệt.

Thứ nhất, khi sức nặng về dân số và kinh tế của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tăng lên thì trọng tâm và nỗ lực của Mỹ trong khu vực phải tăng theo tương xứng. Thứ hai, điều quan trọng là Mỹ sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” thay cho thuật ngữ châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ chọn cụm từ này vì 2 lý do.

Thứ nhất, khu vực Nam Á, cụ thể là Ấn Độ, đóng vai trò quan trọng tại Thái Bình Dương, Đông Á và Đông Nam Á. Thứ hai, đây là lợi ích của Mỹ cũng như của khu vực rằng Ấn Độ đóng vai trò rất lớn trong khu vực. Ấn Độ là quốc gia có nền dân chủ, được đầu tư theo kiểu tự do và mở rộng cửa. Ấn Độ có thể bảo vệ và gắn liền với tự do và mở cửa tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và chính sách của Mỹ là bảo đảm Ấn Độ đóng vai trò này, trở thành quốc gia có nhiều ảnh hưởng hơn theo thời gian trong khu vực.

Nhiều chiến lược đan xen

Ông Wong nói rằng Ấn Độ có khả năng và tiềm năng để thực hiện vai trò quan trọng hơn ở khu vực trên tất cả các mặt an ninh, kinh tế và ngoại giao. Nhưng không riêng Ấn Độ, hiện có một số chiến lược qua lại trong khu vực. Đó là Chính sách Đông Nam của Ấn Độ, Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc, Chiến lược Tự do và Mở rộng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Nhật Bản, Sách trắng Đối ngoại của Úc công bố gần đây. Các chính sách này cho thấy các đối tác trong khu vực đều đang tìm cách tăng cường quan hệ chính trị, an ninh và kinh tế, đặc biệt với các quốc gia ASEAN. Những mối quan hệ qua lại này tạo nên tổ chức mạnh mẽ cho một trật tự tự do và dựa trên luật lệ, giúp làm tăng sự thịnh vượng và ổn định trong khu vực và được Mỹ ủng hộ, ông Wong nói.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, chiến lược mới của Mỹ không chỉ vì Trung Quốc, lý do là khu vực này lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Riêng các nước ASEAN đã có 600 triệu người, Ấn Độ có 1,2 tỷ dân. Nếu Mỹ cùng các đối tác có thể kết nối và thống nhất các dân tộc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, dưới một tầm nhìn tự do và rộng mở thì không chỉ có lợi cho kinh tế thị trường, cho chủ quyền, cho những người dân được hưởng quyền tự do hơn và các quốc gia không bị cưỡng ép, thì không chỉ Mỹ có lợi mà tất cả các quốc gia khu vực khác cũng được hưởng lợi, ông Wong nói.

Ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông

Tại Hội nghị Đối thoại ASEAN-Mỹ lần thứ 31 diễn ra từ 2-3/4 tại Malaysia, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, bà Susan Thornton, khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương, ủng hộ sự đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với ASEAN ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh biển, an ninh mạng, chủ nghĩa khủng bố… Bà Thornton chia sẻ ý tưởng của Mỹ về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cho rằng triển khai chiến lược này, Mỹ mong muốn cùng ASEAN và các đối tác ở khu vực xây dựng một trật tự cân bằng, bình đẳng, tự do thương mại, đầu tư, dựa trên luật lệ. Mỹ cũng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đi vào đàm phán thực chất về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, và khẳng định ủng hộ việc giải quyết hoà bình các tranh chấp ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, tôn trọng chủ quyền và không quân sự hoá.

MỚI - NÓNG