Mỹ củng cố danh sách đen liên quan quân đội Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Huawei là một trong những công ty nằm trong danh sách đen của Mỹ. Ảnh: Getty
Huawei là một trong những công ty nằm trong danh sách đen của Mỹ. Ảnh: Getty
TP - Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến trong tuần này sửa lệnh cấm đầu tư vào các công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc, sau khi chính sách từ thời người tiền nhiệm Donald Trump vấp phải thách thức pháp lý, khiến giới đầu tư lẫn lộn về tác động của lệnh cấm lên các công ty chi nhánh.

Theo sắc lệnh sửa đổi mà ông Biden sắp ký, Bộ Tài chính Mỹ sẽ lập danh sách các công ty có thể đối diện với những hình phạt tài chính, vì có quan hệ với các ngành công nghệ giám sát và quốc phòng của Trung Quốc, Bloomberg đưa tin. Từ trước đến nay, việc xác định danh sách và biện pháp trừng phạt tài chính vẫn căn cứ vào báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhưng quy trình này giờ được chuyển sang Bộ Tài chính.

Sắc lệnh sửa đổi sẽ thay đổi những tiêu chí lập danh sách đen để nhắm vào những công ty trong ngành công nghệ giám sát và quốc phòng, còn sắc lệnh của cựu Tổng thống Donald Trump nhắm vào các công ty thuộc sở hữu, chịu sự kiểm soát hoặc có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Sắc lệnh được chính quyền Trump ban hành để đối phó với chiến lược phát triển hợp nhất quân sự và dân sự của Trung Quốc. Chiến lược này hỗ trợ các mục tiêu hiện đại hóa quân đội Trung Quốc thông qua việc tiếp cận các công nghệ và kiến thức hiện đại do những công ty, trường đại học và chương trình nghiên cứu có vẻ mang tính chất dân sự tạo ra.

Chính quyền Biden dự định vẫn giữ lại danh sách gồm rất nhiều công ty bị nêu tên từ trước, và Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa thêm tên các công ty và tổ chức mới vào danh sách này, nguồn tin nắm được vấn đề nói với Bloomberg. Bộ Tài chính sẽ tham vấn Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ trong quá trình soạn thảo danh sách.

Hôm qua, giá một số cổ phiếu liên quan ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc như AVIC Jonhon Optronic Technology và AECC Aviation Power sụt giảm, trong khi giá cổ phiếu của những công ty vốn đã nằm trong danh sách đen cũng giảm gần 3%. Sau khi Xiaomi thoát khỏi danh sách đen của chính quyền Trump trong vụ kiện hồi tháng trước, cổ phiếu của hãng này hôm qua tăng 2,2% trên thị trường Hong Kong.

Sau khi 2 công ty Trung Quốc chiến thắng trong vụ kiện sắc lệnh của thời chính quyền Trump, nhóm của ông Biden nhận thấy cần phải điều chỉnh chính sách để bảo đảm căn cứ pháp luật vững chắc và tính bền vững trong dài hạn. Với việc chuyển trách nhiệm cho Bộ Tài chính Mỹ, nhóm của ông Biden muốn củng cố căn cứ pháp lý cho các hình phạt nhằm vào những công ty trong danh sách đen.

Việc chính quyền Tổng thống Biden đánh giá lại lệnh cấm đang được Quốc hội Mỹ theo dõi sát sao, vì các nghị sĩ muốn một quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói trong tuyên bố đưa ra ngày 2/6 rằng “việc cấp thiết là chính phủ Mỹ phải tiếp tục mở rộng danh sách các công ty của quân đội Trung Quốc. Những công ty đó đáng lẽ không được tiếp cận các công nghệ và thị trường tài chính của Mỹ. Chúng ta đang trang bị vũ khí và giúp đối thủ hàng đầu của mình kiếm tiền”.

Trong một lá thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, một nhóm nghị sĩ thuộc lưỡng đảng như Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Thượng nghị sĩ Mark Kelly và Hạ nghị sĩ Liz Cheney, yêu cầu nhanh chóng công khai danh sách các công ty và tổ chức có quan hệ với quân đội Trung Quốc. “Chính phủ Mỹ phải tiếp tục hành động mạnh dạn trong việc ngăn chặn sự xâm hại kinh tế từ Trung Quốc vào nền tảng công nghiệp của chúng ta. Chúng ta không được để Trung Quốc làm xói mòn ưu thế quân sự của mình”, lá thư viết.

Giới đầu tư quan tâm

Quan điểm của ông Biden cũng đang được Phố Wall theo sát sao, sau khi sắc lệnh do ông Trump ký khiến giới đầu tư hoang mang vì không hiểu rõ lệnh cấm đầu tư có áp dụng với hàng loạt công ty có liên quan hoặc là chi nhánh của các công ty trong danh sách đen hay không.

Giữa những bối rối đó, chính quyền Biden tháng trước đã lùi thời hạn triển khai lệnh dừng đầu tư vào các công ty con, dù lệnh cấm đầu tư vào các công ty mẹ đã có hiệu lực từ tháng 11 năm ngoái. Nhà Trắng và Bộ Tài chính cũng sẽ làm rõ rằng lệnh cấm đầu tư chỉ áp dụng với các công ty con của các công ty trong danh sách đen nếu các công ty con đó cũng nằm trong danh sách đen.

“Trao quyền cho Bộ Tài chính xác định các công ty quân đội bị trừng phạt trên thị trường tài chính sẽ giúp Phố Wall duy trì hiện trạng trong phạm vi có thể”, ông Roger Robinson Jr., cựu Chủ tịch Uỷ ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ, nói.

Ủy ban này dự kiến sắp công bố báo cáo nói rằng Bộ Thương mại Mỹ đã chậm chạp trong việc lên danh sách những công nghệ nhạy cảm cần phải được kiểm tra được khi xuất khẩu sang Trung Quốc, theo quy định của luật được ban hành năm 2018. Sự chậm trễ này có thể làm trầm trọng thêm những mối đe doạ an ninh quốc gia. Là cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi các luật kiểm soát xuất khẩu nhưng Bộ Thương mại Mỹ “đến nay đã thất bại trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình”, Reuters dẫn báo cáo cho biết. Ủy ban đánh giá an ninh kinh tế Mỹ - Trung được Quốc hội Mỹ lập ra để báo cáo về những tác động an ninh quốc gia từ quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Ngày 3/6, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có cuộc trao đổi trực tuyến, trong đó hai bên đồng ý với nhau rằng quan hệ kinh tế song phương có ý nghĩa rất quan trọng. Theo Xinhua, hai bên đã trao đổi sâu rộng về tình hình kinh tế vĩ mô, hợp tác song phương và đa phương, đồng thời trao đổi quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm. Cả phía Mỹ và Trung Quốc đều không nêu các nội dung cụ thể trong cuộc trao đổi giữa ông Lưu và bà Yellen.

MỚI - NÓNG