Mỹ công bố gói viện trợ mới khi Ukraine bắt đầu phản công

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lầu Năm Góc ngày 3/5 công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 300 triệu đô la cho Ukraine, trong bối cảnh có thông tin cho rằng chiến dịch phản công của Kiev đã bắt đầu.

Đây là gói viện trợ quân sự thứ 37 mà Mỹ chuyển cho Ukraine kể từ tháng 8/2021. Gói này nâng tổng số tiền viện trợ quân sự của Washington dành cho Kiev kể từ khi xung đột bùng phát lên 35,7 tỷ đô la.

Theo một tuyên bố từ Lầu Năm Góc, gói viện trợ bao gồm đạn dược cho hệ thống pháo phản lực HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, pháo và đạn pháo 155mm, đạn súng cối, tên lửa dẫn đường, tên lửa chống tăng vác vai và rocket Hydra-70 thường được phóng từ trực thăng tấn công.

Kể từ tháng 1, Mỹ không còn tiết lộ cụ thể số đạn dược trong từng gói vũ khí viện trợ. Thay vào đó, tổng số lượng từng loại thiết bị mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đến thời điểm hiện tại được ghi cụ thể trên các tờ thông tin bổ sung kèm theo mỗi tuyên bố của Lầu Năm Góc.

Ukraine đã được cung cấp hơn nửa triệu quả đạn pháo 155mm vào ngày 20/3, nâng tổng số đạn pháo được cung cấp kể từ tháng 2 năm ngoái lên 1,5 triệu quả. Gói vũ khí hôm 3/5 là gói thứ ba mà Mỹ công bố kể từ 20/3, nhưng thông tin về tổng số đạn pháo 15mm vẫn chưa được cập nhật.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov, tốc độ chuyển giao này thấp hơn đáng kể so với 356.400 viên đạn mỗi tháng mà Ukraine cần để bắn hết công suất các khẩu súng do phương Tây cung cấp.

Ukraine đã chuẩn bị cho một cuộc phản công trong vài tháng nay, với việc Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Tư tuyên bố rằng chiến dịch sẽ bắt đầu “sớm”. Tuy nhiên, các tài liệu nghi của Lầu Năm Góc bị rò rỉ gần đây cho thấy vấn đề đạn dược có thể cản trở cuộc tấn công.

Quan điểm của Nga đối với việc cung cấp vũ khí của phương Tây vẫn không thay đổi, với việc các quan chức Điện Kremlin liên tục cảnh báo rằng, bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine, các quốc gia phương Tây đã tự biến mình thành những bên tham gia cuộc xung đột trên thực tế.

Theo RT
MỚI - NÓNG