Mỹ chưa quyết định tấn công Syria

Mỹ chưa quyết định tấn công Syria
TP - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua nói rằng, ông vẫn chưa quyết định về kế hoạch tấn công Syria, nhưng đã kết luận lực lượng của chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tuần trước khiến vài trăm người thiệt mạng.

> Cuộc chiến ‘Syria – 2013’: Con khỉ và quả lựu đạn
> Nhiều nước phản đối Mỹ tấn công Syria

Trong khi đó, có dấu hiệu cho thấy, Syria đang chuẩn bị đối phó khi chi tiết về kế hoạch tấn công của Mỹ bị đăng tải công khai.

Hai em bé Syria chơi trên nền ngôi nhà bị đánh sập vì giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy ở thành phố Homs. Ảnh: Latitude News
Hai em bé Syria chơi trên nền ngôi nhà bị đánh sập vì giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy ở thành phố Homs. Ảnh: Latitude News.

Phát biểu trên truyền hình Mỹ, ông Obama nói việc sử dụng vũ khí hóa học ảnh hưởng lợi ích quốc gia của Mỹ và việc trừng phạt hành vi này sẽ có tác dụng tích cực đối với cuộc chiến ở Syria, AP đưa tin ngày 29/8.

Trừng phạt, răn đe, không lật đổ

Các nhà phê bình nghi ngờ mục đích của một đợt tấn công hạn chế vào Syria mà Mỹ đang dự định, nhưng ông Obama nói với mạng truyền thông công cộng PBS: Hành động đó sẽ gửi “một tín hiệu khá mạnh tới chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad rằng, tốt hơn là không nên sử dụng vũ khí hóa học nữa”.

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc (LHQ) vẫn đang điều tra các địa điểm được cho là nơi xảy ra vụ tấn công bằng chất độc thần kinh. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, công tác điều tra sẽ kết thúc vào sáng thứ Bảy tuần này.

Ông Obama nói với PBS: “Mỹ chưa quyết định, nhưng quy tắc quốc tế trong chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học cần được giữ vững, khó ai có thể phản bác thực tế, vũ khí hóa học đã bị sử dụng trên quy mô lớn chống lại dân thường ở Syria”.

Tổng thống Mỹ cũng cho biết, Mỹ đang “xem xét tất cả bằng chứng và không tin lực lượng đối lập lại sử dụng loại vũ khí hóa học đó”. Khi Washington đã kết luận chính quyền Syria đứng sau vụ tấn công này, “có triển vọng vũ khí hóa học sẽ bị sử dụng nhằm vào chúng tôi và chúng tôi muốn đảm bảo điều đó không xảy ra”, ông Obama nói.

Ngày 29/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước thông tin vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria và lên án mạnh mẽ hành động sử dụng vũ khí hóa học tấn công giết hại người dân. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ Công ước Quốc tế về cấm sử dụng vũ khí hóa học và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết vụ việc một cách khách quan, thận trọng, thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ”.

Nhà Trắng hôm qua nói rằng, bất kỳ hành động nào của Mỹ cũng nhằm bảo vệ nguyên tắc là vũ khí hóa học không được sử dụng và không nhằm lật đổ ông Assad. Tuy nhiên, trước đó, vào hôm thứ Ba, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói, ông Assad “từ lâu đã từ bỏ tính hợp pháp mà ông ta phải có” và nhấn mạnh tương lai của Syria “phải là nước không có Assad lãnh đạo”. Bản thân ông Obama hơn 1 năm nay cũng kêu gọi ông Assad từ chức.

Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, người Mỹ ít quan tâm việc nước này sẽ tham gia cuộc xung đột ở Syria. Trong một lá thư gửi ông Obama, Chủ tịch Hạ viện John Boehner yêu cầu Tổng thống giải thích “tác động dự kiến của các đợt tấn công quân sự”. Liệu Tổng thống có thể ngăn ngừa một sự leo thang can thiệp nếu muốn người dân và Quốc hội ủng hộ tấn công.

Hơn 110 thành viên của Quốc hội Mỹ đã ký vào lá thư chính thức yêu cầu bất cứ hành động nào của ông Obama đối với Syria cũng phải được Quốc hội phê chuẩn. Các quan chức Mỹ có thể sẽ trình báo cáo ngắn trước các thành viên cấp cao của Quốc hội về bằng chứng cho thấy, chính phủ Syria đã thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Quan chức Mỹ tiết lộ kế hoạch tấn công

Cuộc không kích của Mỹ vào Syria sẽ bắt đầu trong vài ngày tới và có sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk bắn đi từ chiến hạm của Mỹ ở Địa Trung Hải. Đợt tấn công sẽ kéo dài không đến 1 tuần và nhằm vào một số cơ sở quân sự của Syria nhằm cảnh cáo ông Assad, chứ không phải để lật đổ nhà lãnh đạo Syria. Đó là những thông tin được Nhà Trắng đưa ra hai ngày qua.

Khi ông Obama khẳng định chưa quyết định về việc tấn công Syria hay không thì một số quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ đang tiết lộ nhiều thông tin chi tiết về thời gian và quy mô can thiệp quân sự. Lượng thông tin bị rò rỉ nhiều như vậy khiến không ít người nghi ngờ chính quyền Mỹ đang tự làm lộ kế hoạch quân sự của mình.

“Tôi không hiểu tại sao họ lại nói ra nhiều như vậy. Không phải thông tin bị rò rỉ mà chảy ra qua đường ống”, Đô đốc nghỉ hưu William Fallon, cựu Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, nhận xét.

Trung tướng Không quân đã nghỉ hưu David Deptula, người chỉ huy khu vực cấm bay ở Iraq hồi cuối những năm 1990, nói kế hoạch quân sự hiệu quả nhất khi kẻ thù của Mỹ như ông Assad không biết rõ về thời gian và cường độ tấn công, nên không kịp chuẩn bị bằng cách phân tán lực lượng và vũ khí. Tuy nhiên, những bình luận kín và công khai của chính quyền hiện nay giúp ông Assad lên kế hoạch chuẩn bị cho hành động của Mỹ.

New York Times và một số tờ báo Mỹ khác đưa tin: Nhà Trắng đang cân nhắc tấn công chỉ trong 1-2 ngày, nhằm vào chưa đến 50 mục tiêu. Theo các báo này, Mỹ sẽ tập trung tấn công các đơn vị quân sự riêng biệt của Syria, các tổ hợp đầu não, căn cứ không quân, địa điểm phóng tên lửa, chứ không chỉ là kho vũ khí hóa học. Một quan chức giấu tên của Nhà Trắng phủ nhận việc chính quyền chủ động công bố chi tiết về các mục tiêu Mỹ đã xác định.

Nga, Syria đối phó

Việc sử dụng vũ lực mà không được Hội đồng Bảo an LHQ chấp thuận sẽ bị coi là “vi phạm thô bạo” luật pháp quốc tế và “dẫn tới sự bất ổn dài hạn ở Syria và khu vực”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố. Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích “sự cứng đầu của Nga” và nói rằng sẽ không cho phép tình trạng tê liệt ngoại giao trở thành lá chắn cho lãnh đạo Syria.

Nga đang đưa một tàu chống tàu ngầm và một tàu tuần dương hỏa tiễn đến vùng đông Địa Trung Hải nhằm tăng cường hiện diện của hải quân Nga trong khu vực trước “tình hình đáng chú ý” ở đó, Interfax thông báo. Tuy nhiên, hãng tin khác của Nga là RIA-Novosti lại trích lời phát ngôn viên của một chỉ huy hải quân cấp cao nước này cho biết đó chỉ là sự điều chuyển theo kế hoạch đã định, không liên quan tình hình Syria.

Theo các nhà phân tích, lãnh đạo Syria đã bắt đầu phản ứng với kế hoạch can thiệp quân sự của phương Tây, bằng cách sơ tán nhân sự khỏi nhiều trụ sở an ninh, không quân, lục quân ở thủ đô Damascus. Đó chính là những mục tiêu mà tên lửa hành trình của Mỹ được cho là sẽ phá hủy.

Các chỉ huy quân đội cao cấp ở Damascus được cho là đang tránh xa các tòa nhà cao tầng được coi là mục tiêu tấn công. Đã có dấu hiệu cho thấy người Syria đang lo sợ về một vụ tấn công của phương Tây.

AP trích lời một số quan chức Li-băng hôm qua cho biết ít nhất 6.000 người Syria đã vượt biên sang nước này trong 24 giờ qua thông qua cửa khẩu chính Masnaa, trong khi ngày thường chỉ có khoảng 500 - 1.000 người tị nạn.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS, Syria hiện có 178.000 binh sỹ, gồm 110.000 lính bộ, 5.000 lính thủy, 27.000 lính không quân và 36.000 lính phòng không. Bộ binh có 7 sư đoàn thiết giáp, 3 sư đoàn pháo cơ giới, 2 sư đoàn đặc nhiệm, 1 lực lượng vệ binh cộng hòa.

Ba kịch bản tấn công

Theo nhiều nhà phân tích, các lực lượng quân sự phương Tây do Mỹ cầm đầu có thể tấn công Syria theo ba kịch bản. Một là, Mỹ sử dụng tên lửa hành trình để không kích Syria từ xa, trong thời gian ngắn (vài ngày) với mục tiêu trừng phạt, răn đe. Hai là, Mỹ cùng một số đồng minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ảrập Xêút… không kích trong thời gian dài. Ba là, Mỹ không kích bằng tên lửa và bom rồi lui vào hậu trường, để các nước như Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, lật đổ chế độ.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.