Mỹ chi bộn tiền để thay chuyên cơ mới cho Tổng thống

Mỹ chi bộn tiền để thay chuyên cơ mới cho Tổng thống
Sau gần 30 năm phục vụ các đời Tổng thống Mỹ, chuyên cơ Không lực Một (Air Force One) đã chính thức bị Lầu Năm Góc cho “nghỉ hưu”. Thay thế nó là siêu máy bay Boeing 747-8, mẫu mới nhất của dòng máy bay Boeing 747.

Siêu máy bay Boeing 747-8 là phiên bản Boeing 747 thế hệ thứ 4 với thân kéo dài, đôi cánh được thiết kế và cải thiện lại. Đây cũng là máy bay thương mại lớn nhất được sản xuất tại Mỹ và là máy bay vận tải hành khách dài nhất thế giới.

1,65 tỷ USD để thay thế

Quyết định lựa chọn chuyên cơ mới dành cho Tổng thống đã được Lầu Năm Góc cân nhắc cách đây hơn một năm. Cuối cùng, sau nhiều cuộc họp và các cuộc tranh luận nảy lửa giữa quan chức an ninh, Lầu Năm Góc đã đồng ý sử dụng Boeing 747-8 để thay thế 2 chiếc chuyên cơ Air Force One hiện được dùng để chở Tổng thống. Tư lệnh Không quân Mỹ Deborah James đã đích thân đưa ra tuyên bố này trong cuộc họp báo chiều 28/1.

Theo bà Deborah James, máy bay chở Tổng thống không chỉ là biểu tượng của nước Mỹ, mà còn là một văn phòng làm việc di động của người đứng đầu Nhà Trắng.

“Sau khi đưa ra xem xét với hàng loạt tiêu chí khác nhau, chúng tôi nhận thấy Boeing 747-8 là máy bay duy nhất đạt được tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra. Hơn nữa, đây lại là loại máy bay do một hãng của Mỹ sản xuất nên rất tiện cho việc sửa chữa hoặc chỉnh trang hay lắp đặt thêm những thiết bị cần thiết”, Tư lệnh Không quân Mỹ nói.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của Đại tá Amy McCaine, người quản lý chương trình bay của Tổng thống Mỹ, hợp đồng về thương vụ này vẫn chưa được ký. Hiện các quan chức Lầu Năm Góc và hãng Boeing đang xúc tiến thảo luận các chi tiết liên quan đến kinh phí và thời điểm bàn giao máy bay mới. Dự kiến, số tiền chi cho việc sản xuất và trang bị các thiết bị cần thiết cho máy bay Boeing 747-8 sẽ vào khoảng 1,65 tỷ USD. Hồi cuối năm ngoái, Lầu Năm Góc đã duyệt chi khoản tiền này.

Cũng theo lời của Đại tá Amy McCaine, trước khi đưa ra quyết định lựa chọn này, giới chức Mỹ cũng đã xem xét một số loại máy bay khác, trong đó đặc biệt chú ý đến máy bay A380 của Tập đoàn Airbus (Pháp) sản xuất. Nhưng do Boeing đã có 50 năm kinh nghiệm trong việc chế tạo, thiết kế chuyên cơ cho Tổng thống và hai chiếc Air Force One đang phục vụ Tổng thống Mỹ cũng là của hãng này (loại máy bay 747-200) nên nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ trong chính giới.

Mẫu mới với năng lực cần thiết

Hãng tin Reuters cho hay, hai chiếc Boeing 747-200 đang dùng làm chuyên cơ phục vụ Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ hết hạn 30 năm sử dụng vào năm 2017. Điều này cũng có nghĩa là chiếc máy bay mới dành cho Tổng thống sẽ được chính thức đưa vào sử dụng năm 2017.

Boeing 747-8 là mẫu mới nhất của dòng máy bay Boeing 747, được công bố ngày 14/11/2005, nhằm cạnh tranh với mẫu A380 của hãng Airbus. 747-8 là phiên bản Boeing 747 thế hệ thứ tư, với thân máy bay kéo dài, đôi cánh được thiết kế và cải thiện lại. Phiên bản 747-8 là phiên bản 747 lớn nhất, là máy bay thương mại lớn nhất được sản xuất tại Mỹ, đồng thời là máy bay vận tải hành khách dài nhất thế giới.

7 năm sau khi được giới thiệu trước công chúng, siêu máy bay Boeing 747-8 đã hoàn thành chuyến bay chở khách đầu tiên từ Frankfurt (Đức) tới Washington D.C (Mỹ) do hãng hàng không Lufthasa thực hiện. Cảm nhận chung của hành khách đi trên chuyến bay đó đều thấy thoải mái và tiện nghi hơn các loại Boeing 747 trước đó.

Là dòng máy bay phản lực thân rộng được thiết kế làm 2 tầng phục vụ hành khách, Boeng 747-8 sử dụng 4 động cơ Genx giúp máy bay ít ồn hơn, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu. So với các loại máy bay 747 đời cũ, Boeing 747-8 chở được thêm 51 hành khách so với loại cũ, nâng tổng số hành khách có thể chở là 467 người.

Với chiều dài lên tới 77m, đây cũng là loại máy bay dân sự dài nhất thế giới hiện nay. Chi phí sản xuất một chiếc 747-8 từ 293 đến 308 triệu USD. Tư lệnh Không quân Deborah James cho biết, ngay sau khi biết tin được chọn chế tạo loại chuyên cơ mới cho Tổng thống Mỹ, ban lãnh đạo hãng Boeing đã hứa, sẽ bàn giao máy bay theo đúng thời hạn.

Trong thời điểm hiện nay, một mặt soạn thảo hợp đồng sản xuất mới, mặt khác, các chuyên gia của Lầu Năm Góc cùng các kỹ sư của hãng Boeing cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ để thảo luận về việc thiết kế chuyên cơ mới cho Tổng thống làm sao vừa hợp lý, vừa đảm bảo mức độ an toàn, hiện đại nhưng không tiêu tốn quá nhiều tiền của chính phủ.

Bà Deborah James khẳng định, điều đầu tiên được tính đến là chuyên cơ mới phải được trang bị những hệ thống phòng thủ đặc biệt, có thể đối phó với những tên lửa hồng ngoại.

Cụ thể, ít nhất 3 thiết bị cơ bản đang được sử dụng ở Air Force One vẫn được lắp cho chuyên cơ mới gồm An/AAR-54 (V), AN/AAQ-24 và hệ thống các ăng-ten. Trong đó, An/AAR-54 (V) là hệ thống cảnh báo sớm phóng tên lửa được cài đặt ở đuôi máy bay để phát hiện, theo dõi các mối đe dọa từ tên lửa bằng tín hiệu tia cực tím. Thiết bị thu nhận cảnh báo này cũng được sử dụng trên các máy bay chiến đấu đặc biệt như loại MC-130H Combat Talon II.

Còn hệ thống tấn công trực tiếp bằng vũ khí hồng ngoại AN/AAQ-24 Nemesis Directional Infra-Red Counter (DIRCM), được hướng dẫn bởi AAR-54, có thể bắn năng lượng hồng ngoại làm nhiễu loạn hệ thống dẫn đường của tên lửa; và hệ thống ăng-ten được lắp dưới lớp vỏ của máy bay, có thể kết nối với hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh mà không gây ảnh hưởng tới khí động học của máy bay…

Không lực Một (Air Force One) là thuật ngữ được dùng để chỉ chuyên cơ của Tổng thống Mỹ. Chiếc máy bay này được sử dụng lần đầu tiên bởi Tổng thống John Kennedy và nó là biểu tưởng sức mạnh của nước Mỹ. Air Force One được trang bị hệ thống thông tin liên lạc và an ninh cực kỳ hiện đại và có tính bảo mật tuyệt đối, giúp Tổng thống Mỹ có thể điều hành công việc bình thường khi đang ở độ cao 13km.

Trên máy bay có 87 đường điện thoại khác nhau, trong đó có 28 đường tuyệt mật được mã hóa. Nó có thể được coi là một trung tâm chỉ huy di động trong trường hợp có xảy ra một cuộc tấn công vào nước Mỹ. Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ còn có khả năng phòng thủ cao nhờ các thiết bị chống tên lửa gắn kèm. Phi công lái Air Force One được tuyển từ đội ngũ tinh túy trong lực lượng không quân Mỹ.

Theo Theo Công an Nhân dân
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.